Sức sống 80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (1943-2023):Từ ba nguyên tắc đến tính dân tộc, tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật Việt Nam
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 (sau đây gọi tắt là Đề cương) được coi là văn kiện mở đường cho nền văn hóa cách mạng Việt Nam
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 (sau đây gọi tắt là Đề cương) được coi là văn kiện mở đường cho nền văn hóa cách mạng Việt Nam, trong đó, Đảng đã vạch ra ba nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam là “dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa”.
Sự vận động, phát triển của ba nguyên tắc trong các văn kiện của Đảng
Đề cương xác định rõ: “Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung. Chính vì thế, nó cách mạng nhất và tiến bộ nhất ở Đông Dương trong giai đoạn này”. Ba nguyên tắc trong Đề cương trở thành nền tảng để phát triển văn hóa Việt Nam-cội nguồn sự trường tồn của dân tộc ta, đồng thời ba nguyên tắc này có sự phát triển phù hợp với từng bước đi của lịch sử dân tộc.
Khẳng định sự gắn bó hữu cơ của ba nguyên tắc trong Đề cương, đồng chí Trường Chinh khẳng định tại báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” (năm 1948) như sau: Ba tính chất của nền văn hóa dân chủ mới ở Việt Nam-dân tộc, khoa học, đại chúng-“đồng thời tồn tại và quan hệ khăng khít với nhau, không thể tách rời nhau”.
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ công chúng Thủ đô. Ảnh: TÂN SƠN |
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (năm 1960), Đảng chỉ ra “nội dung xã hội chủ nghĩa và hình thức dân tộc” của văn hóa Việt Nam. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976) xác định rõ “văn hóa Việt Nam là nền văn hóa với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc”. Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (năm 1993) đề ra phương hướng “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (năm 1996) lần đầu tiên xác định vai trò của văn hóa: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội”.
Đặc biệt, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (năm 1998) thảo luận và ra Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là văn kiện nhìn nhận lại toàn diện và sâu sắc văn hóa Việt Nam từ cội nguồn dân tộc cho đến hiện tại để đề ra phương hướng chiến lược thực hiện vai trò quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp chung của đất nước.
Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thể hiện một bước phát triển khi xác định mục tiêu chung: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”; “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. Đây chính là chìa khóa để đưa đất nước phát triển bền vững.
Như vậy, trên cơ sở ba nguyên tắc “dân tộc, khoa học, đại chúng” trải qua từng giai đoạn lịch sử, Đảng ta đã xây dựng, làm phong phú và phát triển đặc trưng văn hóa Việt Nam-nền văn hóa “có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”, “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”, “vừa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội”, “thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”, “gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”…
Điều quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với văn học, nghệ thuật Việt Nam là ba nguyên tắc “dân tộc, khoa học, đại chúng” vừa mở đường cho nền văn học, nghệ thuật cách mạng, vừa vận động theo dòng lịch sử, tạo nên những phẩm chất và đặc tính quyết định sự phát triển của văn học nghệ thuật mới.
Cặp phạm trù “tính dân tộc-tính hiện đại” của văn học, nghệ thuật
Tìm hiểu tính dân tộc, tâm lý dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc được các nhà văn hóa, các nhà sử học, các nhà dân tộc học, các nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật Việt Nam đặt ra trong nhiều công trình nghiên cứu từ đầu thế kỷ 20. Do hoàn cảnh lịch sử nước ta luôn phải đương đầu với nguy cơ giặc ngoại xâm nên giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc trên toàn vẹn lãnh thổ là ước mơ, lẽ sống và mục tiêu hành động của nhiều thế hệ. Trong cuộc trường kỳ tranh đấu này, tìm về cội nguồn truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc đã tạo thêm nguồn sức mạnh cho mỗi con người để vượt qua bom đạn, sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ, hạnh phúc và cả cuộc sống của bản thân mình cho đất nước. Khi văn học, nghệ thuật bảo đảm nguyên tắc “dân tộc hóa” cũng có nghĩa tác phẩm văn học, nghệ thuật chứa trong nó tính dân tộc.
Ở khía cạnh khác, khái niệm “hiện đại” trong lịch sử gắn với sự phát triển của thời đại công nghiệp với tiến bộ khoa học kỹ thuật và tư tưởng hợp lý hóa trong sản xuất, dẫn đến sự giải phóng tư duy và hành động con người khỏi nếp sống cũ trong xã hội nông nghiệp. Trong văn học, nghệ thuật, cần phân biệt tính hiện đại với chủ nghĩa hiện đại-một trào lưu xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, đổi mới về quan điểm và phương pháp sáng tác theo xu hướng thoát ly thực tế cuộc sống… Tính hiện đại là một phẩm chất của tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh đúng tinh thần thời đại theo xu thế đi lên của lịch sử. Tính hiện đại có ý nghĩa tương đối, bởi có những yếu tố là xưa cũ, cổ truyền của dân tộc này nhưng lại là hiện đại đối với dân tộc khác. Nguyên tắc “khoa học hóa” bảo đảm cho tác phẩm văn học, nghệ thuật mang tính hiện đại. Đồng thời, mục đích của nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam là “vị nhân sinh”, nói cách khác, nền văn học, nghệ thuật phục vụ nhân dân chứ không phải chỉ dành cho một “tầng lớp trên” nào đó. Điều này cho thấy, nguyên tắc “đại chúng hóa” xác định mục đích phục vụ nhân dân của văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Nội dung xuyên suốt của tính dân tộc Việt Nam truyền thống trong cuộc sống cũng như trong văn học, nghệ thuật là tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc và độc lập dân tộc. Nếu như trước kia yêu nước là yêu làng vì làng gắn liền với nước, hy sinh là để thể hiện lòng trung quân của bề tôi thì trong thời đại Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước truyền thống được phát triển thành chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng mang tính hiện đại. Mỗi người dân là một người chủ đất nước, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì lòng trung với nước của người làm chủ chứ không phải để thể hiện lòng trung quân của bề tôi. Tính cộng đồng được phát triển thành tinh thần tập thể, đối lập với chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi…
Tuy nhiên, nhiều mặt hạn chế trong tính dân tộc xuất phát từ xã hội nông nghiệp lạc hậu làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là tư tưởng tiểu nông, đầu óc địa phương chủ nghĩa, sự nhận thức và tuân thủ pháp luật kém (phép vua thua lệ làng), lối làm ăn manh mún của người sản xuất nhỏ, bệnh gia đình chủ nghĩa, tầm nhìn hẹp, trình độ khoa học kỹ thuật hạn chế, chưa có tác phong công nghiệp.
Một sự chuyển biến quan trọng là từ chỗ diện mạo và vai trò cá nhân chỉ được xác định trong mối quan hệ gia đình, làng và nước trong xã hội nông nghiệp trước kia thì giờ đây, nhân tố con người ngày càng được đề cao.
Trong cuốn sách “Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, 2001), Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc đã khái quát những nguyên tắc về phát triển con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay với một số trọng tâm. Thứ nhất, “lấy con người làm trọng tâm trong sự phát triển kinh tế”. Thứ hai, “không thể xem nhẹ văn hóa và truyền thống trong quá trình phát triển con người” bởi “áp lực công nghiệp hóa” đã làm cho không ít xã hội đánh mất bản sắc dân tộc, dẫn đến những khủng hoảng và xung đột ghê gớm. Thứ ba, “sự phát triển con người phải được xem xét đồng thời trên bình diện cá nhân và cộng đồng xã hội”. Thứ tư, “con người chỉ phát triển khi có những điều kiện cần thiết liên quan đến mỗi cá nhân, cộng đồng xã hội và môi trường sinh sống” nên các quá trình cá thể hóa, xã hội hóa, tiếp biến văn hóa… đều đóng vai trò quan trọng.
Ý nghĩa nhân tố con người càng rõ rệt khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng nhấn mạnh việc xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với các đức tính: “Yêu nước, tự cường dân tộc, đoàn kết với nhân dân thế giới; có ý thức tập thể; có lối sống lành mạnh, văn minh, tôn trọng kỷ cương phép nước, bảo vệ môi trường sinh thái; lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo; thường xuyên học tập nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, thẩm mỹ, thể lực”. Gần đây nhất, nhân tố con người được đặt lên hàng đầu khi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.
Một khía cạnh quan trọng là trong sự vận động và chuyển đổi các giá trị văn hóa, tính dân tộc gặp gỡ với tính hiện đại, văn học, nghệ thuật sẽ phát triển vững vàng nếu tạo được sự hài hòa giữa dân tộc và hiện đại. Điều này đúng như ý kiến của nhà thơ Huy Cận trong cuốn “Suy nghĩ về bản sắc văn hóa dân tộc” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, 1994) cho rằng: “Chúng ta ngày nay phải xây dựng một nền văn nghệ mới theo phương châm dân tộc-hiện đại… Dân tộc mà hiện đại chứ không phải dân tộc cổ hủ, nệ cổ; hiện đại nhưng phù hợp với phong cách dân tộc, ăn khớp và liền mạch với bản sắc văn hóa dân tộc chứ không phải nhắm mắt bắt chước nước ngoài mà hóa lai căng”.
Vì vậy, có thể khẳng định rằng, ba nguyên tắc “Dân tộc, khoa học, đại chúng” chính là khởi nguồn của tính dân tộc và tính hiện đại-những đặc tính căn bản trong quá trình vận động và phát triển của lý luận và thực tiễn văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()