"Sức nóng" từ ô tô ngoại
Hai tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc là 153 triệu USD, tăng 139,6% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng xe nhập khẩu tăng mạnh cho thấy "sức nóng" đã bủa vây với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước hơn bao giờ hết.
Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu gần 9.500 xe ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ. Riêng tháng 1, mặc dù mức tiêu thụ ô tô sụt giảm so với tháng 12-2016, nhưng vẫn đạt con số 20.232 xe, trong đó có 14.749 xe du lịch. Lượng nhập khẩu xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm cho thấy sức nóng của thị trường ô tô trong nước.
Cùng với mức tăng nhập khẩu từ điện thoại di động, rau quả và một số mặt hàng khác, kim ngạch nhập khẩu ô tô đã góp phần đẩy tổng kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm tăng 20% so với cùng kỳ. Sau 2 tháng, cả nước nhập siêu ước đạt 46 triệu USD, bằng 0,2% kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, trong khi khu vực doanh nghiệp nội nhập siêu 3,5 tỷ USD thì khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) vẫn xuất siêu 3,4 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, việc gia tăng nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ (mặt hàng hạn chế nhập khẩu) có thể tác động lên cán cân thương mại nếu không có giải pháp cân đối ngay từ đầu năm.
Thực tế, mức nhập khẩu xe ô tô của Việt Nam tăng mạnh không gây bất ngờ, bởi ngành Sản xuất ô tô trong nước còn hạn chế, chủ yếu là lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa thấp. Trong khi, với mức tăng gần 40%/năm trong hai năm gần đây, thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển. Hiện tổng năng lực lắp ráp ô tô của Việt Nam đạt khoảng 500.000 xe/năm, với 12 hãng xe nước ngoài có hoạt động sản xuất, lắp ráp, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu xe trong nước.
Sẽ có giải pháp quản lý kịp thời
Khách hàng chọn mua xe nhập khẩu tại một gara ô tô. Ảnh: Như Ý |
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nếu thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN chỉ còn 0%, ngành Sản xuất ô tô trong nước không thể cạnh tranh, thậm chí phá sản, do hầu hết các doanh nghiệp mới dừng lại ở lắp ráp đơn giản, dây chuyền sản xuất chủ yếu là hàn, sơn, kiểm tra, chưa đáp ứng được những công đoạn phức tạp hơn. Nhận rõ những khó khăn này, các doanh nghiệp đều khá lo lắng. Công ty Ford Việt Nam thừa nhận, chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực khoảng 20%, do đó, một số nhà sản xuất sẽ chọn cách sản xuất ô tô tại một số nước ASEAN rồi mới nhập về Việt Nam. Muốn sản xuất ô tô trong nước phát triển, cần có giải pháp để giảm chi phí sản xuất.
Theo VAMA, tháng 1-2017, toàn thị trường bán ra 20.232 xe (giảm 39% so với tháng 12-2016 và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước), bao gồm 14.749 xe du lịch (giảm 35%), 5.098 xe thương mại (giảm 45%) và 385 xe chuyên dụng (giảm 64%). Trong đó, xe lắp ráp trong nước đạt 15.504 xe, giảm 34% so với tháng trước; xe nhập khẩu nguyên chiếc là 4.728 xe, giảm 51% so với tháng trước. |
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cảnh báo việc gia tăng nhập khẩu ô tô trong 2 tháng đầu năm; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành tăng cường quản lý để hài hòa nhập khẩu và sản xuất trong nước đối với ngành Công nghiệp ô tô trong bối cảnh hội nhập, thực hiện cắt giảm thuế suất.
Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ sẽ đề xuất giải pháp quản lý kịp thời đối với một số mặt hàng có kim ngạch tăng đột biến như điện thoại di động, thép phế liệu, ô tô dưới 9 chỗ, đá quý – kim loại, rau quả… nhằm bảo đảm kiểm soát nhập khẩu theo mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()