Sức mạnh từ nguồn lực nội sinh
Nhân dân xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng chung sức bê tông hóa giao thông nông thôn |
Cán bộ thế chấp sổ đỏ giải phóng mặt bằng
Nói về xã hội hóa trong giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực từ nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn thì xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng là một trong những xã đi đầu trong toàn tỉnh. Từ hơn 10 năm trước, nhân dân trong xã đã góp sức xây dựng được cả 3 cây cầu qua sông Thương; là một trong những xã đầu tiên trong toàn tỉnh xây dựng được nhà văn hóa ở tất cả các thôn và giải phóng được mặt bằng hơn 30.000m2, mà giờ đây khu đó là trung tâm hành chính xã với trụ sở xã, nhà văn hóa, trạm y tế… Những kết quả đó thì nhiều người biết, nhưng phương pháp thế nào để đạt được sự đồng thuận hưởng ứng như vậy, hẳn nhiều người chưa tường. Chia sẻ về chuyện này, Bí thư Đảng ủy xã Lăng Văn Thạch từ tốn: học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, chúng tôi xác định trong mọi công việc muốn đạt được sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân thì trước hết phải xác định mục đích của công việc đó là vì dân, trong quá trình thực hiện thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, nêu cao tinh thần trách nhiệm và cũng phải năng động, sáng tạo. Chính vì vậy mà khi giải phóng mặt bằng, mục đích được xác định là để xây dựng công trình công cộng phục vụ nhân dân và trước khi tính tới chuyện huy động sức dân thì đội ngũ cán bộ, đảng viên phải đóng góp trước. Bởi vậy mới có chuyện để ứng trước tiền giải phóng mặt bằng, lãnh đạo xã Chi Lăng đã thế chấp cả sổ đỏ của gia đình để vay ngân hàng. Đây là cả vấn đề trọng đại, nhưng đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cười nhẹ nhàng như không: mình là cán bộ, mình phải tiên phong, trong khi vụ na chưa tới, bà con chưa huy động được nguồn lực thì mình phải có giải pháp, có mặt bằng sớm chừng nào, công trình sẽ được đầu tư, người dân sẽ được hưởng lợi sớm chừng đó, mình thế chấp sổ đỏ nhiều giờ “quen” rồi; để giải phóng khu đất xây dựng nhà văn hóa xã và trạm y tế, giờ sổ đỏ của gia đình vẫn đang trong ngân hàng. Từ sự tiên phong của người đứng đầu, dám làm, dám chịu trách nhiệm và sự gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhân dân xã Chi Lăng đã đồng thuận, hưởng ứng. Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới đến nay, nhân dân trong toàn xã đã huy động được gần 30 tỷ đồng; hiến 600m2 đất và cũng là xã đầu tiên huy động được sức dân để xây dựng cổng làng. Trở thành xã nông thôn mới trong năm 2014 là kế hoạch rất khả thi đối với Chi Lăng.
Nông thôn mới thực chất
Hơn 1 năm trước, khi kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại Lạng Sơn, Cố vấn Ban chỉ đạo Trung ương, ông Lê Huy Ngọ có hỏi người dân: xây dựng nông thôn mới, bà con “sướng” gì nhất. Câu trả lời là: Giao thông nông thôn. Do gần dân, lắng nghe nhân dân và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, những năm trước đây lãnh đạo tỉnh đã có nhiều quyết sách quan trọng trong phát triển giao thông nông thôn và đến khi triển khai nông thôn mới, Ban chỉ đạo tỉnh quán triệt là tập trung đầu tư, xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp đời sống, sản xuất của nhân dân, trong đó giao thông nông thôn là trọng tâm. Quyết sách ấy được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, minh chứng là từ năm 2011 đến nay, nhân dân trong toàn tỉnh đã huy động được gần 150 tỷ đồng; 2 triệu ngày công và tự nguyện hiến trên 850.000m2 đất để làm giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, trình độ của đội ngũ cán bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh nhiều nơi vẫn chưa đạt chuẩn. Trước đó đã có một số ý kiến đề cập đến vấn đề luân chuyển cán bộ để có thể đạt chuẩn tiêu chí này trong bộ tiêu chí Quốc gia. Vấn đề này, trong các cuộc kiểm tra tại cơ sở, đồng chí Lý Vinh Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh luôn quán triệt chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: cán bộ tuy chưa đạt chuẩn, nhưng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân tín nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân thì cớ gì phải luân chuyển. Nếu luân chuyển cán bộ mà làm đời sống của nhân dân tốt hơn lên thì sẵn sàng luân chuyển. Nhưng nếu có cán bộ đạt chuẩn rồi mà đời sống không được cải thiện, thậm chí thấp đi thì kiên quyết không làm. Nông thôn mới phải thực chất chứ không phải hoàn thành tiêu chí bằng mọi giá. Ông Hoàng Đăng Phù, Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia tâm đắc: Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đúng với tâm tư của cán bộ cơ sở, hợp với lòng dân; nguyện vọng của người dân là được nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, môi trường trong lành, an ninh trật tự đảm bảo, nông thôn mới hướng vào những tiêu chí ấy thì người dân sẽ đồng thuận, hưởng ứng rất cao.
Xây dựng nông thôn mới gắn liền với thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh tới cơ sở. Từ gần dân, lắng nghe nhân dân, nông thôn mới đã thực sự hướng đến nhân dân. Trong đó mỗi cán bộ, đảng viên luôn là những tấm gương đi đầu… Điều đó đã tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân trong toàn tỉnh và từ đó hình thành, củng cố và phát huy được nguồn lực nội sinh mạnh mẽ từ khối đại đoàn kết toàn dân. Đó cũng là nền tảng để Lạng Sơn có thể xây dựng thành công nông thôn mới.
Ý kiến ()