Sức mạnh từ mô hình “dân vận khéo”
LSO-Thực hiện kế hoạch triển khai phong trào thi đua “dân vận khéo” của Ban Dân vận Trung ương, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Ban Dân vận các cấp phối hợp với chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng, ngành chức năng thực hiện phong trào “dân vận khéo”, trong đó tập trung xây dựng các mô hình “dân vận khéo” hoạt động có hiệu quả.
LSO-Thực hiện kế hoạch triển khai phong trào thi đua “dân vận khéo” của Ban Dân vận Trung ương, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Ban Dân vận các cấp phối hợp với chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng, ngành chức năng thực hiện phong trào “dân vận khéo”, trong đó tập trung xây dựng các mô hình “dân vận khéo” hoạt động có hiệu quả. Từ việc xây dựng mô hình “dân vận khéo”, các đơn vị, địa phương đã đưa ra được nhiều giải pháp sáng tạo, cách làm hay, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh nhà.
Hội viên ủng hộ mô hình hũ gạo tình thương ở xã Thuỵ Hùng, huyện Văn Lãng |
Theo đó, các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể đã xây dựng mô hình “dân vận khéo” phù hợp với thực tiễn, trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đang từng bước nhân rộng các mô hình “dân vận khéo” hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 mô hình tập thể, cá nhân điển hình “dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, đối với công tác xây dựng hệ thống chính trị có ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam La (Văn Lãng) làm tốt công tác vận động nông dân vào tổ chức hội và phát triển kinh tế địa phương; khối dân vận xã Hữu Khánh (Lộc Bình) vận động nhân dân thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ; mô hình 3 việc (việc địa phương, việc hội, việc nhà) của Hội Cựu chiến binh thành phố Lạng Sơn được phát huy. Đối với lĩnh vực kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, phong trào “dân vận khéo” được gắn với các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Nhiều mô hình tiết kiệm ủng hộ xây dựng “mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, mô hình “hũ gạo tình thương” của hội phụ nữ nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân; mô hình liên kết “đào tạo nghề chế biến lâm sản” tại xã Minh Sơn (Hữu Lũng) giải quyết việc làm cho 30 lao động; mô hình làm hương truyền thống của chi hội phụ nữ khối 7, phường Đông Kinh (TPLS) thu hút trên 40 lao động; khối dân vận xã Hoa Thám (Bình Gia) vận động nhân dân hiến hơn 10.000m2 đất để xây dựng 5 phòng học và nhà công vụ cho giáo viên, quyên góp gần 150 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa, công trình công cộng… Các mô hình đã huy động được sức dân, tạo sự đồng thuận trong dân về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giải quyết việc làm, xây dựng giao thông nông thôn, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Ở lĩnh vực an ninh – quốc phòng, trọng tâm là lực lượng công an đã xây dựng mô hình “dân vận khéo” được gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Qua đó, có nhiều đơn vị có cách làm sáng tạo với nội dung, hình thức phong phú. Tiêu biểu, có mô hình “tuyên truyền vận động nhân sân thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo”, “phối hợp tham gia quản lý, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng”, “phối hợp vận động nhân dân giữ gìn an ninh trật tự, thu nộp vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”… Từ đó, đã góp phần làm giảm và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, làm thất bại âm mưu “diễn biến hào bình” của các thế lực thù địch. Trong lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa, Uỷ ban MTTQ phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng mô hình các mô hình “xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư” cũng được quan tâm và đẩy mạnh. Thông qua đó giúp nhân dân dần xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện ngày càng tốt hơn nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, đời sống vật chất tinh thần ngày càng được nâng lên. Nhờ có những mô hình “dân vận khéo”, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm ngày càng thêm thắt chặt, an ninh trật tự trên địa bàn xã được giữ vững. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các hoạt động nhân đạo, từ thiện trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp, ngành chức năng như: thực hiện 3 dự án nồi cháo tình thương giúp đỡ các bệnh nhân nghèo tại Bệnh viên Đa khoa, Bệnh viện Lao, Bệnh viện Y học cổ truyền…
Bà Đặng Thị Kiều Vân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: trong thời gian gần đây, việc xây dựng các mô hình “dân vận khéo” gắn với phong trào “nhà sạch, vườn đẹp” và mô hình “5 không, 3 sạch” do Trung ương hội phát động đã được Hội phụ nữ tỉnh tích cực triển khai, tuyên truyền phát động thành phong trào thi đua sâu rộng đến các cấp hội và được triển khai đến từng chi hội phụ nữ tại các thôn, bản, tổ dân phố theo đúng quy định và kế hoạch đã đăng ký. Hiện, hội phụ nữ ở 11 huyện, thành phố đều xây dựng được mô hình điểm về “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Từ các hoạt động của mô hình đã góp phần cải thiện và nâng cao ý thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường ngay chính gia đình hội viên và cả cộng đồng.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả và nhân rộng mô hình “dân vận khéo”, trong thời gian tới, Ban dân vận Tỉnh ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào “dân vận khéo”, khuyến khích động viên, nhân rộng mô hình điển hình “dân vận khéo”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng đối với công tác dân vận, nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nhân dân, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.
HỒ XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()