Sức mạnh từ âm nhạc truyền thống
Nhóm Xẩm Hà thành trong MV “Tiêu diệt corona”.
Những ngày vừa qua, hàng loạt tác phẩm âm nhạc truyền thống gắn liền nội dung phòng, chống dịch đã ra đời. Trong số đó, tiêu biểu phải nói tới “Tiêu diệt Corona” do nhóm Xẩm Hà thành thực hiện. Bài hát khiến nhiều người yêu âm nhạc dân tộc phải ngạc nhiên và thích thú bởi phong cách thể hiện dí dỏm, lời lẽ dân dã, dễ hiểu, lồng gắn nhiều câu, từ đời thường được cộng đồng mạng ưa thích sử dụng cùng thông điệp phòng, chống dịch mạnh mẽ. Từ mảnh đất Thái Bình, các nghệ sĩ chèo của Trung tâm Thanh – Thiếu niên tỉnh cũng đã gửi đến mặt trận chống dịch những tác phẩm chèo thú vị. Đó là bài “Chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid” được viết theo làn điệu Đào Liễu, do soạn giả Trương Công Đỉnh soạn lời; bài “Bài ca chống giặc” được viết theo làn điệu Xẩm Xoan do soạn giả Mai Văn Lạng soạn. Đáng chú ý, trung tâm đã kỳ công thực hiện cả một ca cảnh chèo đặc sắc dài hơn tám phút mang tên “Chống dịch như chống giặc”. Ca cảnh hoàn toàn là lời mới, sử dụng ba làn điệu chèo Xẩm Xoan, Cách Cú và Ngũ Phúc đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực tới những người nghe trẻ tuổi. Trong khi đó, NSND Bạch Tuyết lại mang đến tác phẩm cải lương tân cổ “Ông bà anh thời Covid-19” với lời mới dựa trên ca khúc “Ông bà anh” của Lê Thiện Hiếu. Bên cạnh đó, công chúng yêu cải lương còn được tiếp cận sáng tác có tên “Thiên thần áo trắng chiến thắng Corona” của soạn giả Lê Thế Song được NSƯT Hoàng Tùng và Xuân Hồng thể hiện, với những tình cảm chân thành, xúc động gửi những y sĩ, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Và mới đây là sự xuất hiện của MV “Trống cơm” phiên bản chống Covid-19 được nhạc sĩ Khúc Đạo Minh viết lời, hòa âm trên nền nhạc bài dân ca Bắc Bộ, được ca sĩ Kyo York chuyển ngữ tiếng Anh…
Có thể thấy, với thông điệp rõ ràng mang tính thời sự, kết hợp ca từ gần gũi, dễ hiểu, những tác phẩm này đã cùng nhau làm nên một mặt trận chống dịch bằng âm nhạc truyền thống, tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng, nâng cao ý thức và hành động để cùng chung tay phòng, chống dịch. Đáng chú ý, phần lớn những sáng tác này không phải những tác phẩm đặt hàng mà được “thai nghén” từ chính mong muốn, khao khát được cống hiến của các nghệ sĩ. Điều này phần nào cho thấy ý thức, trách nhiệm công dân của những nghệ sĩ âm nhạc dân tộc trước dòng chảy thời cuộc, trước sứ mệnh cần gánh vác của cả cộng đồng. Soi lại lịch sử, có những thời kỳ mà khi cả nước phải đồng lòng chống giặc đã làm nên sự xuất hiện của những tác phẩm âm nhạc để đời. Cũng vì vậy, với tinh thần đất nước đang “chống dịch như chống giặc”, những đóng góp của các nghệ sĩ với những tác phẩm âm nhạc tiếp sức cho toàn quân, toàn dân đẩy lùi đại dịch sẽ được ghi nhận.
Thêm một tín hiệu vui là hầu hết các tác phẩm âm nhạc truyền thống được các nghệ sĩ thực hiện nhằm lan tỏa ý thức phòng, chống dịch đều đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của công chúng, trong đó phần lớn là những người trẻ. Điều này cho thấy nếu tiếp cận đúng hướng những vấn đề được xã hội quan tâm, âm nhạc truyền thống sẽ vẫn tìm được chỗ đứng giữa dòng chảy cuộc sống hiện đại. Những lượt like (yêu thích), bình luận, chia sẻ mạnh mẽ trên mạng in-tơ-nét thời gian qua của người yêu nhạc chính là bằng chứng khẳng định sức sống lâu bền, mạnh mẽ của những di sản âm nhạc truyền thống đã được cha ông để lại, góp phần tiếp sức, cổ vũ cho những nghệ sĩ đang theo đuổi dòng nhạc nhiều thách thức này. Qua đó, có thể khẳng định, truyền tải những vấn đề thời sự xã hội không chỉ là cách để âm nhạc truyền thống hòa nhập, hội nhập; mà còn là cách để bảo tồn, lan tỏa, phát huy giá trị của những thể thức, làn điệu âm nhạc dân tộc, đưa âm nhạc của cha ông đến gần hơn với công chúng hiện đại. Đúng như chia sẻ của NSND Bạch Tuyết: “Nếu như có tâm huyết và biết cách khai thác, cải lương nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung sẽ không bao giờ bị lạc hậu mà trái lại hòa vào dòng chảy cuộc sống để gửi đi những thông điệp ý nghĩa”.
Ý kiến ()