“Sức mạnh mềm” của Việt Nam
Chúng ta đang có thêm nhiều vị trí với tư cách là chuyên gia quốc tế, hiểu biết sâu về chuyên môn và có thể tranh luận, phản biện, tư duy bằng ngoại ngữ bình đẳng, sòng phẳng với những chuyên gia sành sỏi quốc tế.
Vị thế của quốc gia
Những năm qua, ngoại giao văn hóa Việt Nam, có nhiều thành công, nhất là trên diễn đàn của UNESCO. Chúng ta đã đưa được các chuyên gia Việt Nam vào hàng ngũ các chuyên gia tư vấn của ủy ban quan trọng tại UNESCO. Cụ thể, PGS. TS Trần Tân Văn tiếp tục tham gia vào ban tư vấn của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu và mạng lưới công viên địa chất khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trực tiếp tham gia việc thẩm định các hồ sơ công viên địa chất toàn cầu UNESCO. PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam được đề cử và trúng cử là thành viên Ban tư vấn nhiệm kỳ 2017-2020 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với thắng lợi thuyết phục, mang tính thực tiễn…
Mới đây nhất, ngày 2/10, tại phiên họp đầu tiên của đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lần thứ 49, đại diện 191 quốc gia thành viên đã nhất trí bầu Đại sứ Dương Chí Dũng vào vị trí Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Sanh Châu là người từng có 17 năm gắn bó với các hoạt động của UNESCO. Ông cũng là 1 trong 9 ứng cử viên được các quốc gia giới thiệu cho vị trí Tổng Giám đốc của UNESCO với cuộc bỏ phiếu kín bầu tân tổng giám đốc UNESCO sẽ được tiến hành đợt 1 (gồm 5 vòng) vào đêm 9/10 này (theo giờ Việt Nam) tại Hội đồng Chấp hành UNESCO và đợt 2 vào tháng 11/2017, tại Đại hội đồng UNESCO. Nhiệm kỳ của tổng Giám đốc UNESCO kéo dài 4 năm. Tổng Giám đốc UNESCO sẽ quản lý ngân sách 676 triệu USD, 2.500 nhân sự thuộc 200 quốc tịch và gần 70 văn phòng, trung tâm thuộc UNESCO.
Những thành công đó tạo ra nhiều lợi ích cũng như thêm kinh nghiệm cho chúng ta khi tham gia các diễn đàn quốc tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, những vị trí như vậy nói được rất nhiều điều, đã nâng cao vị thế của Việt Nam trong con mắt quốc tế. “Các vị trí như của anh Sanh Châu, anh Dũng, như tôi hay rất nhiều vị trí khác, là sự có mặt của Việt Nam trên bàn tròn thế giới, thể hiện rằng chúng ta vươn ra thế giới. Sự hiện diện của Việt Nam trong các vị trí quốc tế thể hiện sự bình đẳng của chúng ta đối với các nước khác, mình có tiếng nói, có quyền điều hành, nhất là những vị trí lãnh đạo. Điều này thể hiện năng lực của Việt Nam, không chỉ trên lĩnh vực văn hoá, mà là vị thế nói chung của một đất nước. Đó là tiếng nói, sức mạnh, vị thế, quyền lực của một đất nước.Việt Nam mình không kém quốc gia nào, mình có tiếng nói và bình đẳng về chuyên môn”, bà Nguyễn Thị Hiền nói.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Ảnh: VGP/Phương Liên |
“Khi họ bầu cho mình, nghĩa là trong mắt họ Việt Nam đã giữ một vị trí quan trọng. Không phải là vị trí của từng cá nhân tranh cử, mà là vị thế của đất nước với thế giới. Các vị trí, cá nhân nếu làm việc tốt tại cơ quan Liên Hợp Quốc sẽ giúp cho bức tranh chung của Việt Nam tốt hơn.
Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Bộ Ngoại giao cùng với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Hầu như các vị trí đều là bỏ phiếu kín, nếu không được sự ủng hộ, tin tưởng thì dù có “vận động hành lang” kiểu gì cũng không được. Mà vận động ở đây không phải là từ cá nhân, mà phải từ các Chính phủ”, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cho hay.
Theo bà Hiền, khi vào làm việc tại các tổ chức lớn của quốc tế, ngoài khả năng ngoại ngữ cực tốt, còn phải có sự bài bản, chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn. Nhiều cá nhân của Việt Nam có đủ năng lực, sự tự tin để tham gia các vị trí lớn trên trường quốc tế. Đó là niềm vinh dự cho Việt Nam.
“Top” nước có nhiều hồ sơ di sản nhất
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào Ban Tư vấn di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Ban Tư vấn gồm 12 thành viên do Ủy ban Liên chính phủ bầu chọn. Ban Tư vấn chịu trách nhiệm chính thẩm định các hồ sơ trong Danh dách đại diện, Danh sách khẩn cấp, các chương trình dự án phản ánh thực hành tốt nhất Công ước 2003. Ban này có thẩm quyền đề xuất với Uỷ ban Liên Chính phủ, Công ước 2003 là vinh danh hay không vinh danh di sản, lựa chọn di sản là thực hành tốt nhất, và thông qua hay không thông qua những dự án xin tài trợ của Quỹ Di sản UNESCO trên 100.000 USD.
Về lĩnh vực văn hoá, trong các công ước mà Việt Nam phê chuẩn có Công ước 1972 về văn hoá và di sản thiên nhiên thế giới, Công ước 2003 về di sản văn hoá phi vật thể. Việt Nam là một trong những nước tham gia rất tích cực, có nhiều hồ sơ được vinh danh. Với Công ước 2003, đến nay Việt Nam đã có 11 hồ sơ, thuộc nhóm các nước có nhiều hồ sơ được vinh danh. Sắp tới, Việt Nam sẽ có thêm 2 hồ sơ được UNESCO xét duyệt và sẽ công bố vào cuộc họp Ủy ban Liên Chính phủ tại Hàn Quốc vào tháng 12/2017, đó là hồ sơ “Nghệ thuật Bài Chòi ở miền Trung, Việt Nam” và hồ sơ “Hát xoan Phú Thọ, Việt Nam” chuyển từ Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong số 175 nước tham gia Công ước, chúng ta chỉ đứng sau một số nước điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Cộng hòa Pháp về số lượng hồ sơ được vinh danh.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cho hay để một di sản được đề cử trong danh sách Di sản phi vật thể của nhân loại không hề đơn giản. Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia được thẩm định chủ yếu dựa trên hồ sơ khoa học đệ trình lên UNESCO. Di sản đó có thể hiện được đầy đủ giá trị và ý nghĩa hay không, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hồ sơ đó. Hồ sơ chỉ ra rằng việc vinh danh di sản sẽ góp phần vào tầm nhìn về di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng về sự đa dạng văn hóa. Và những người làm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể phải tìm cách để giải thích cho các chuyên gia thế giới hiểu trong giới hạn số từ cho phép và tùy theo tiêu chí tối đa 150, 250 hay 500 từ viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp chuẩn xác.
Có được những kết quả đó, theo bà Nguyễn Thị Hiền, một trong những nguyên nhân là do Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Paris (Pháp) đã kết hợp với các bộ, ngành thực hiện công xây dựng và hoàn thiện hồ sơ rất tốt. Về di sản văn hoá đã kết hợp với Bộ VHTT&DL, về địa chất toàn cầu thì kết hợp bên Viện Địa chất, về di sản tư liệu kết hợp với Cục Văn thư và lưu trữ. Các bộ, ban, ngành cũng có những chuyên gia am hiểu cùng xây dựng các bộ hồ sơ để chúng ta đi thi cho thật tốt.
Việc công nhận các di sản của các quốc gia đã đóng góp vào nhận thức chung của nhân loại về di sản văn hoá cũng như đóng góp vào tầm nhìn văn hoá quốc tế, cũng như tôn trọng sự đa dạng văn hoá, mở rộng đối thoại giữa các quốc gia. Tính chất của UNESCO mang tính chất toàn cầu, các di sản được công nhận cũng góp phần vào bức tranh về nhận thức, tầm nhìn của di sản trên toàn thế giới.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh: “Việt Nam là một nước đang phát triển. Trên nhiều lĩnh vực kinh tế, y tế, khoa học… chúng ta chưa sánh được với thế giới, nhưng Việt Nam tự hào khi đã và đang nâng cao được vị trí trên trường quốc tế bằng văn hoá”.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()