Sức mạnh giữa biển khơi
Mô hình tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển đang trở thành mô hình sản xuất hiệu quả của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Sự đoàn kết, tương trợ nhau trong khó khăn, hoạn nạn đã trở thành nguồn sức mạnh, cổ vũ, động viên bà con ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Dấu ấn người lính biên phòng
Xã Phước Tỉnh, huyện Long Ðiền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nổi tiếng về nghề đánh bắt thủy hải sản. Câu chuyện làm giàu của địa phương này, từ lâu luôn là đề tài hấp dẫn dân biển cả nước. “Làng tỷ phú” hay “Làng giàu nhất nước” từng là “biệt danh” mà dân biển gần xa đặt cho Phước Tỉnh. Hầu hết các hộ dân ở đây đều có ghe đi biển. Mỗi cặp ghe, thời điểm bấy giờ cũng như hiện tại, đều có giá tới hàng trăm lượng vàng. Ít ai tin, thời bất động sản còn “ấm nóng”, có ông chủ doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây hẳn một chung cư cao tầng ở làng cá Phước Tỉnh.
Câu chuyện làm giàu của Phước Tỉnh sẽ mãi hanh thông nếu những năm gần đây không xảy ra tình trạng tàu cá của ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Ngư trường cạn kiệt, cửa biển bị bồi lấp, giá nguyên liệu đầu vào tăng…, nên hiệu quả đánh bắt không còn cao như trước. Ðã xuất hiện cảnh tàu cá nằm bờ hàng loạt, sản lượng khai thác sụt giảm và nhiều “tỷ phú làng biển” chán nản bỏ nghề, lên bờ tìm việc. Ðại tá Trần Công Hiểu cho biết, trước thực tế đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nghiên cứu xây dựng đề án phát triển các tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển, vừa giúp nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, phòng ngừa rủi ro, vừa phát huy tinh thần trách nhiệm của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Ðề án được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khuyến khích nhân rộng, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trực tiếp chủ trì.
Anh Trà Văn Hoành, chủ tàu cá BV 92244, ở ấp Phước Lộc, xã Phước Tỉnh (huyện Long Ðiền) cho biết: “Mỗi lần ra khơi, chúng tôi đều hỗ trợ lẫn nhau, gặp luồng cá sẽ thông báo cho những tàu trong tổ ở gần đó cùng tham gia đánh bắt”. Thông thường, mỗi chuyến biển kéo dài cả tháng, thủy hải sản đánh bắt được sau thời gian dài để trên tàu chất lượng không bảo đảm, nay có tổ đoàn kết cùng tổ chức thu gom đưa sớm vào bờ nên hiệu quả kinh tế nâng lên rõ rệt. Anh Hoành chia sẻ: “Hiện nay, khoảng hơn chục ngày, chúng tôi gom lượng cá đánh bắt được cho một tàu trong tổ chở vào bờ bán. Chất lượng bảo đảm, giá bán cũng cao hơn”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc cho biết: Hằng năm, sản lượng đánh bắt của các tàu cá tham gia mô hình tổ đoàn kết đã tăng lên đáng kể, từ 10 đến 12%, chi phí giảm gần 8%, chất lượng thủy hải sản được bảo đảm. Các tàu mạnh dạn vươn ra khơi xa, khai thác những ngư trường mới, giàu tiềm năng.
Hiện nay, trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu, đã có hàng trăm tổ đoàn kết trên biển, với sự tham gia của hàng nghìn ngư dân. Mô hình này đã giúp ngư dân tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả đánh bắt, đồng thời khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn.
Giữ chủ quyền và an ninh trên biển
Ông Nguyễn Phúc Gặp, ở phường 6, TP Vũng Tàu, vẫn nhớ như in ngày đầu đưa cặp ghe của gia đình tham gia Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản Ðức Dũng và được bầu làm tổ trưởng hơn hai năm trước. Ông Gặp khẳng định: “Ðây là mô hình hiệu quả nhất hiện nay trong đánh bắt thủy hải sản xa bờ. Mỗi chuyến biển, bà con đối mặt biết bao rủi ro, bất trắc. Giúp đỡ và tương trợ nhau trên biển trong hoạn nạn, khó khăn thì may mắn nào bằng”. Ðồng quan điểm với ông Gặp, ông Cao Ngọc Minh, Tổ trưởng tổ đoàn kết Thu Minh cho biết: “Tổ chúng tôi có năm chiếc ghe. Kể từ ngày thành lập đến nay, hiệu quả thấy rõ. Do hoạt động theo mô hình tổ đội, chúng tôi không còn lo sợ nạn cướp ghe, cướp cá. Ngư dân cũng yên tâm hơn vì công tác hỗ trợ, cứu nạn trên biển đã trở nên dễ dàng”.
Thượng tá Ðặng Trung Tuyến, Ðồn Biên phòng Phước Tỉnh cho biết: “Khi các tổ đoàn kết đi vào hoạt động, tình hình an ninh – trật tự trên biển đã có những chuyển biến tích cực. Những vi phạm trong đánh bắt thủy hải sản, nạn trấn, cướp cá, mực… của bà con ngư dân giảm đáng kể. Công tác tìm kiếm cứu nạn, kêu gọi tàu, thuyền tránh trú bão được triển khai hiệu quả hơn”. Thượng tá Tuyến chia sẻ: “Ðịa bàn đồn quản lý gồm hai xã Phước Hưng, Phước Tỉnh và thị trấn Long Hải của huyện Long Ðiền. Ðây đều là những địa phương có thế mạnh về khai thác hải sản xa bờ. Nếu những năm 2010-2011, trung bình mỗi năm, trên địa bàn có cả trăm phương tiện của ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, thì năm 2013 chỉ còn 13 phương tiện. Ðể bà con yên tâm vươn ra khơi xa đánh bắt, lực lượng biên phòng đã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, nói chuyện về các quy định của Nhà nước trong quản lý và bảo vệ biên giới. Những tổ, đội đoàn kết trên biển chính là những hạt nhân của những buổi tuyên truyền này”. Bác Phan Văn Mười, ở ấp Phước An, xã Phước Tỉnh, cho biết, chính từ những buổi tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng, ngư dân chúng tôi càng hiểu rõ hơn về những chủ trương, chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước. Chúng tôi tiếp tục vận động và tuyên truyền cho các anh em ngư dân khác để mọi người cùng yên tâm bám biển.
Bác Mười khẳng định: “Mọi bất thường trên biển đều được chúng tôi thông báo ngay cho lực lượng biên phòng. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi còn trực tiếp tham gia xua đuổi tàu, thuyền nước ngoài đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ta. Ðến nay, về cơ bản, tình trạng này đã không còn xảy ra”.
Chia tay chúng tôi, Ðại tá Trần Công Hiểu, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu, vẫn như muốn nói thêm về câu chuyện đoàn kết của ngư dân trên biển. Bởi hơn ai hết, anh hiểu rằng, nếu không có sức dân, không dựa vào chính tai, mắt của nhân dân, thì người chiến sĩ biên phòng không thể hoàn thành được nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng mà Ðảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()