Sức mạnh chiến hạm HMS Richmond của Hải quân Hoàng gia Anh
Chiến hạm HMS Richmond tích hợp nhiều hệ thống vũ khí hiện đại, có khả năng tác chiến đa nhiệm, từ chống tàu mặt nước, chống ngầm, tấn công mặt đất hay thực hiện các nhiệm vụ chống tội phạm ma túy, cướp biển.
Chiến hạm HMS Richmond cập cảng Quốc tế Cam Ranh
Tàu HMS Richmond của Hải quân Hoàng gia Anh đã cập cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) hôm 1-10, bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ quốc phòng song phương. Sự hiện diện của HMS Richmond là một phần trong chiến dịch của Hải quân Hoàng gia Anh năm 2021 tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong cam kết của Anh đối với việc xây dựng hòa bình, an ninh hàng hải và thịnh vượng trong khu vực và thế giới.
HMS Richmond, mang số hiệu F239, là chiếc thứ 10 trong loạt 16 tàu lớp 23 “Duke” của Hải quân Hoàng gia Anh. Tàu được đặt theo tên Công quốc Richmond, một danh hiệu cao quý và lâu đời của Vương quốc Anh. HMS Richmond được đóng bởi công ty Swan Hunter (Anh), theo hợp đồng ký kết tháng 12-1989. Con tàu chính thức được đóng vào tháng 2-1992, ra mắt vào tháng 4-1993 và được đưa vào hoạt động năm 1995.
Tàu HMS Richmond cập cảng Quốc tế Cam Ranh bắt đầu chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: Đức Thu |
HMS Richmond có trọng tải tiêu chuẩn 4.900 tấn. Chiều dài 133m, chiều rộng 16,1m, độ mớn nước là 7,3m. Chiến hạm Anh có tốc độ tối đa 52km/giờ. Tầm hoạt động đạt 14.000km ở tốc độ 28km/giờ. Thủy thủ đoàn gồm có 185 người.
Chiến hạm sử dụng động cơ CODLAG, với tua bin khí kết hợp diesel-điện 2 trục. Trong đó, tổ máy phát điện diesel Paxman Valenta 12CM có công suất 2.025 mã lực, còn động cơ tuabin khí Rolls-Royce Spey SM1A có tổng 31.100 mã lực. HMS Richmond có khả năng tác chiến đa dạng, từ chống tàu mặt nước, chống ngầm, tấn công mặt đất hay thực hiện các nhiệm vụ chống tội phạm ma túy, cướp biển.
HMS Richmond thường hoạt động trong nhóm tàu hộ tống của HMS Queen Elizabeth, là một phần của Nhóm tấn công tàu sân bay của Vương quốc Anh (CSG). Chiến hạm này tích hợp nhiều hệ thống vũ khí hiện đại. Theo đó, tàu được trang bị hệ thống tên lửa Harpoon và Sea Wolf (32 tên lửa), ngư lôi chống ngầm Stingray. Trên chiến hạm bố trí pháo 114mm/55 AU Mark 8, súng phòng không DS30M Mark 2 và súng máy M134.
Ngoài ra, chiến hạm còn được trang bị trực thăng tấn công hàng hải Wildcat, là thế hệ trực thăng đa năng mới nhất được trang bị hai động cơ trục cánh quạt LHTEC CTS800. Trực thăng nhỏ gọn và mạnh mẽ này mang lại khả năng chiến thuật đa dạng và hiệu quả chiến đấu cao.
Về trang bị chống tàu ngầm, chiến hạm Anh sử dụng thiết bị Sonar 2087 (hay Captas-4) và Hệ thống Liên lạc Hải quân hoàn chỉnh của Thales. Tổ hợp điện tử này là kết hợp độc đáo giữa sonar thụ động – chủ động và tần số thấp, cho phép thủy thủ đoàn phát hiện các mối đe dọa dưới nước ở khoảng cách xa, trong khi vẫn duy trì khả năng tàng hình.
Hệ thống quản lý chiến đấu INTeACT trên tàu được cung cấp bởi tập đoàn BAE Systems sẽ hỗ trợ thủy thủ đoàn tất cả thông tin cần thiết để theo dõi, phân tích và ứng phó với các mối đe dọa trong chiến đấu, cũng như khả năng điều phối hoạt động tác chiến, hay thu thập thông tin tình báo và hỗ trợ nhân đạo.
Ngoài ra, radar giám sát 3D BAE Systems Artisan có khả năng phát hiện các vật thể nhỏ (như quả bóng tennis) di chuyển với tốc độ gấp 3 lần tốc độ âm thanh ở cách xa hơn 25km. Radar có thể theo dõi đồng thời hơn 900 đối tượng từ 200 đến 200.000m và cắt nhiễu sóng vô tuyến tương đương 10.000 tín hiệu điện thoại di động.
Theo các chuyên gia, HMS Richmond thể hiện sự độc đáo của hệ thống vũ khí hiện đại và các khả năng công nghệ của nền công nghiệp quốc phòng Anh. Đồng thời thể hiện sức mạnh, tính linh hoạt và khả năng hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
Chuyến thăm và các hoạt động hợp tác song phương tại Việt Nam của tàu HMS Richmond thể hiện cam kết của Anh đối với sự hiện diện bền bỉ và đáng tin cậy ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm các đối tác khu vực quan trọng như Việt Nam. Hai bên chia sẻ những mối quan tâm chung như an ninh hàng hải, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và mong muốn hợp tác cho sự tăng trưởng kinh tế chung. Đồng thời, hai nước đều coi trọng quyền tự do hàng hải, dựa trên công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Trước tàu HMS Richmond đã có 3 tàu Hải quân Hoàng gia Anh khác tới Việt Nam, gồm HMS Daring (năm 2013), HMS Albion (năm 2018) và HMS Enterprise (năm 2020). |
Ý kiến ()