Sức lan tỏa từ một cuộc vận động
Kết thúc năm học 2012 – 2013, là năm học thứ mười ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) huyện Trực Ninh (Nam Ðịnh) liên tục đứng ở tốp đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của huyện, là “Ðơn vị thi đua tiên tiến xuất sắc” của ngành GD và ÐT của tỉnh. Ðó là hiệu quả từ Cuộc vận động ” Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Cuộc vận động càng có sức lan tỏa sâu rộng hơn khi được gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở (THCS) Ðào Sư Tích Nguyễn Thị Huyền chia sẻ, cuộc sống của người dân tuy còn nghèo nhưng mọi người, mọi nhà đều chăm lo cho sự học của con em mình để các em có kiến thức, vững tin trên con đường lập thân, lập nghiệp trong tương lai. Vì vậy, triển khai Cuộc vận động: ” Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, cũng là xác định quyết tâm phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt” để không phụ lòng tin của các bậc phụ huynh. Coi đây là nội dung trọng tâm, xuyên suốt quá trình thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động có sức lan tỏa sâu rộng trong tập thể của nhà trường. Chi bộ Ðảng và Ban giám hiệu chỉ đạo, trong quá trình “học tập và làm theo Bác” phải thực hiện theo ba nguyên tắc đạo đức của Người: Nói thì phải làm; xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. Ðảng viên và cán bộ chủ chốt phải gương mẫu đi đầu trong mọi công việc.
Sự gương mẫu của các đồng chí cán bộ, đảng viên đã tác động tích cực đến tập thể sư phạm nhà trường. Các giáo viên trẻ đều có kế hoạch tự học tập để nâng cao lý luận chính trị, trình độ nghiệp vụ, luôn mong muốn sớm được đứng trong hàng ngũ của Ðảng, được đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục của huyện. Ðến năm học 2012- 2013, nhà trường đã xây dựng được đội ngũ giáo viên “vừa hồng, vừa chuyên” với 100% số cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn; 67% là đảng viên. Trong năm năm học vừa qua, hằng năm số học sinh của Trường THCS Ðào Sư Tích thi đỗ vào các trường THPT (hệ công lập) thường đạt tỷ lệ từ 97 đến 100%; bình quân mỗi năm học có khoảng 30 em thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và các khối chuyên của các trường đại học…
Về xã Trực Thái, chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động về cô giáo Tạ Thị Hồng, người có gần 30 năm gắn bó với Trường Mầm non. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng con ốm đau liên miên, phải đưa đi hết bệnh viện này qua bệnh viện khác để chữa trị, nhưng với ý thức của người đảng viên và trách nhiệm của người đứng mũi chịu sào, chị đã vượt lên mọi khó khăn cùng tập thể nhà trường xây dựng đơn vị thành Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện. Hiện nay Trường Mầm non Trực Thái có hai cơ sở khang trang, bề thế, thu hút toàn bộ số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn đến trường và được nuôi dạy chu đáo. Hằng năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong xã giảm từ 2 đến 4%, chất lượng giáo dục mầm non đều đạt từ 90% trở lên.
Câu chuyện về cô giáo trẻ Vũ Thị Ngọc, giáo viên Trường THCS xã Trực Khang là tấm gương tiêu biểu về ý chí rèn luyện, nghị lực phấn đấu vươn lên trên bước đường lập thân, lập nghiệp và hết lòng thương yêu học sinh. Vũ Thị Ngọc là giáo viên dạy giỏi được chọn về dạy ở Trường THCS Ðào Sư Tích. Nhưng Ngọc tình nguyện xin về công tác tại xã nhà với mong muốn được trả nghĩa các “thầy giáo, cô giáo làng” cùng bà con chòm xóm đã cưu mang đùm bọc chị em cô trong những năm tháng đèn sách với nhiều khó khăn tưởng chừng không vượt qua được. Từ khi ra trường tới nay, cô giáo Vũ Thị Ngọc liên tục đạt danh hiệu giáo viên giỏi. Các lớp học cô trực tiếp giảng dạy năm học nào cũng có ba, bốn em đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh.
Trưởng phòng GD và ÐT Ðặng Xuân Hữu cho biết, thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của từng chi bộ, mỗi nhà trường và đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn huyện. Nó được cụ thể hóa bằng năm phong cách giáo viên Trực Ninh. Ðó là: Tình thương, danh dự; Kỷ cương, sáng tạo; Tự học thường xuyên; Tôn trọng, biết điều; Hòa thuận, hiếu đễ trong gia đình nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo trong huyện thành một tập thể sư phạm thống nhất, vững về chuyên môn, trọng danh dự, làm việc có kỷ cương, nền nếp như ước nguyện của Bác Hồ là “xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đoàn kết, dân chủ, bình đẳng và tương trợ”. Ðây còn là những tiêu chí để đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên hằng năm của các đơn vị. Theo đó, ngành GD và ÐT huyện Trực Ninh đã xây dựng được đội ngũ thầy giáo, cô giáo có bản lĩnh chính trị, vững về chuyên môn, tâm huyết trong sự nghiệp trồng người, với 100% số cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn; gần 64% số trường học trong huyện đạt chuẩn quốc gia; trong đó có sáu trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Với những cố gắng của ngành GD và ÐT huyện Trực Ninh đã góp phần quan trọng cùng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục chăm lo cho sự nghiệp trồng người trên quê hương Trực Ninh giàu truyền thống hiếu học.
Ý kiến ()