Sức lan tỏa của phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"
|
Theo Bộ GD và ĐT, điểm nổi bật trong năm học 2010-2011 là đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xã hội hóa giáo dục, có sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành để có được khuôn viên trường học khang trang, sạch đẹp, an toàn. Tổng số cây trồng mới, tính từ tháng 9-2008 đến nay, đạt hơn năm triệu cây. Thông qua phong trào, môi trường sư phạm của các đơn vị trường học trên cả nước đã có diện mạo mới. Chủ trương thực hiện “ba đủ”: đủ ăn, đủ mặc, đủ đồ dùng học tập cho học sinh được các địa phương thực hiện sáng tạo với nhiều hình thức phong phú. Năm học 2010-2011, có 39.849 trường giải quyết triệt để “ba đủ” cho học sinh, tăng 1.544 trường so với năm học 2009-2010. Đã có 44 tỉnh, thành phố không có học sinh bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở.
Việc đổi mới phương pháp dạy học có hiệu quả phù hợp đặc điểm lứa tuổi của học sinh được các trường đặc biệt quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng, kích thích tính ham học hỏi của học sinh. Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở (THCS) Yên Trấn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh Bùi Trung Kiên cho biết: Giáo viên trong trường tiến hành đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện đúng chuẩn chương trình, nâng cao chất lượng dạy và học, bảo đảm gây hứng thú, giảm bớt căng thẳng cho học sinh trong quá trình học tập. Ngoài ra, trường còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; các tiết học trên lớp, qua bài giảng điện tử đã tạo nên hứng thú trong học tập và nâng cao nhận thức cho học sinh trong các giờ học. Em Trần Phương Thảo, học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình cho rằng, mô hình THTT, HSTC chính là tiền đề để xây dựng kỹ năng sống cho học sinh, giúp chúng em phát huy năng lực, trí tuệ của mình vào những hoạt động chung của nhà trường, gia đình và xã hội. Còn em Nguyễn Thu Hiền, học sinh Trường THCS Hán Đà, Yên Bái cho biết, để trở thành một học sinh tích cực, em luôn cố gắng tìm ra phương pháp học tập sao cho đạt hiệu quả nhất. Ngoài ra, việc đổi mới phương pháp dạy học đã giúp em tiếp thu được nhiều kiến thức và biết xây dựng cho mình một khả năng học tập tự giác, giúp chúng em ứng xử hòa đồng, thân thiện với bạn bè hơn.
Thứ trưởng Bộ GD và ĐT, Phó Trưởng Ban thường trực phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Qua ba năm triển khai, phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC đã có sức lan tỏa rộng lớn. Tất cả 63 tỉnh, thành phố tham gia phong trào, trong đó 54 tỉnh, thành phố có 100% số cơ sở giáo dục tham gia. Ban chỉ đạo đã tiến hành kiểm tra thi đua tại 35 tỉnh, thành phố trên cả nước về công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai phong trào tại các địa phương. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã ổn định về số lượng, đồng bộ về chất lượng, trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao. Việc áp dụng bản đồ tư duy trong dạy học và các phương pháp dạy học tích cực đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học cũng như tạo không khí thân thiện trong nhà trường. 100% các tỉnh được kiểm tra có số lượng học sinh bỏ học giảm rõ rệt; hầu hết các tỉnh được kiểm tra có số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng qua tập huấn về đổi mới công tác quản lý đạt hơn 90%; tỷ lệ giáo viên được tập huấn về đổi mới phương pháp giảng dạy tăng; tỷ lệ học sinh giỏi năm học 2010-2011 tăng 8,5% so với năm học trước.
Phó Trưởng Ban thường trực phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết thêm sự thành công của phong trào chính là ở sự tích cực tham gia của học sinh vào các nội dung cụ thể trong hoạt động học tập, rèn luyện. Bản thân học sinh sẽ là lực lượng lao động chính trong tương lai, do đó, mô hình phong trào thi đua này sẽ giúp các em có được sự tự tin, làm chủ tri thức, có kỹ năng, chuyên môn, chủ động trong hội nhập quốc tế và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tri thức, văn hóa nhân loại.
Ý kiến ()