Sức lan tỏa của chương trình cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn
Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân (Bình Định). Tín dụng cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) là một chương trình tín dụng có quy mô lớn, được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tập trung triển khai ngay từ ngày đầu thành lập.Sau chín năm thực hiện, chương trình đã đạt được những thành quả rõ rệt, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đóng góp tích cực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội.Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 157/QĐ-TTg về tín dụng hỗ trợ HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Kể từ thời gian này, với mức giải ngân cho chương trình lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm (so với thời gian ban đầu NHCSXH thực hiện cho vay mỗi năm chỉ vài trăm tỷ đồng), chương trình đã có sức lan tỏa rộng lớn, giúp cho một bộ phận nhân dân có thu nhập thấp được hưởng sự bình đẳng về đào tạo; được hỗ trợ kinh phí để con em họ...
Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân (Bình Định). |
Sau chín năm thực hiện, chương trình đã đạt được những thành quả rõ rệt, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đóng góp tích cực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 157/QĐ-TTg về tín dụng hỗ trợ HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Kể từ thời gian này, với mức giải ngân cho chương trình lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm (so với thời gian ban đầu NHCSXH thực hiện cho vay mỗi năm chỉ vài trăm tỷ đồng), chương trình đã có sức lan tỏa rộng lớn, giúp cho một bộ phận nhân dân có thu nhập thấp được hưởng sự bình đẳng về đào tạo; được hỗ trợ kinh phí để con em họ có thể theo học các bậc học khác nhau, kể cả đào tạo nghề.
Chúng tôi về xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) để tìm hiểu về nguồn vốn vay của HSSV trên địa bàn xã. Là một xã thuần nông, nhưng Xuân Huy được biết đến là “làng dòng, đất học”. Mỗi năm, trên địa bàn xã có hàng trăm học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Theo thống kê, trên địa bàn xã hiện có 239 hộ, 256 HSSV được hỗ trợ vay vốn tín dụng HSSV với tổng dư nợ hơn 4,8 tỷ đồng. Đến thăm gia đình ông Nguyễn Phong Hải và bà Lê Thị Minh Thư, ở khu 2 mới thấy được giá trị và ý nghĩa nhân văn to lớn của chương trình tín dụng HSSV. Với nghề thợ xây, ông Hải đi khắp nơi để làm thuê còn bà Thư ở nhà làm năm sào ruộng cho nên cuộc sống vẫn bữa no, bữa đói. Song phần thưởng lớn nhất mà ông bà nhận được là ba người con đều thi đỗ vào các trường đại học. Khi cô con gái đầu vào đại học, ông bà xoay xở đủ mọi cách mà vẫn không đủ tiền cho con ăn học. Từ khi có chương trình tín dụng HSSV, ông bà như “bắt được vàng”. Cả hai người con sau của ông bà được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi này. Ông Hải cho biết, hiện gia đình ông đang vay NHCSXH tổng cộng 70 triệu đồng. Nếu không có nguồn vốn này thì có “nằm mơ” gia đình cũng không dám cho con theo học. Hiện nay, hai người con lớn của gia đình đã học ra trường. Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng gia đình luôn ý thức và cố gắng thu xếp trả dần nợ cho Nhà nước.
Cùng với Phú Thọ, Bình Định cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong việc hỗ trợ HSSV vay vốn để tiếp tục con đường học tập. Là hộ gia đình thuộc diện nghèo, bà Lục Thị Yến, dân tộc Thái, trú tại thôn Thịnh Văn 1, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định được NHCSXH huyện cho vay vốn ưu đãi, lại còn tận tình “cầm tay chỉ việc” cho nên gia đình bà hiện đã thoát nghèo, từng bước có “của ăn, của để”. Ba người con của bà đều thi đậu đại học, được NHCSXH cho vay vốn học tập. Hiện nay, người con lớn đã tốt nghiệp, có việc làm và cùng với mẹ trả tiền vay ngân hàng.
GIA đình ông Hải, bà Yến chỉ là hai trong hơn hai triệu hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn của NHCSXH để dành cho học tập. Theo thống kê của NHCSXH, tính đến hết quý I-2012, chương trình đã tạo điều kiện cho hơn 2,8 triệu HSSV, gần hai triệu hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn. Dư nợ tín dụng cho vay của chương trình luôn tăng trưởng cao qua các năm, cụ thể: năm 2007 là hơn 2.800 tỷ đồng, năm 2008 đạt hơn 9.700 tỷ đồng, năm 2009 đạt hơn 18.200 tỷ đồng, năm 2010 đạt hơn 26 nghìn tỷ đồng. Tính đến hết quý I-2012, dư nợ tín dụng cho vay HSSV đạt hơn 35,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,62%/tổng dư nợ).
Đánh giá về kết quả thu nợ, thu lãi đã được triển khai trong thời gian qua, NHCSXH khẳng định: Chương trình tín dụng HSSV là chương trình cho vay rủi ro thấp nhất. Bởi lẽ, đây là chương trình đầu tư nguồn nhân lực, hiệu quả lâu dài, HSSV khi được vay vốn học thành tài sẽ có khả năng trả nợ rất cao. Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy, đa phần các em HSSV, hộ gia đình vay vốn đều có ý thức trả nợ, vì hiệu quả chương trình mang đến cho cuộc sống của họ là vô cùng to lớn.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Định Nguyễn Đình Sơn cho biết: Nhiều năm qua, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, thành phố tập huấn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới đến tận xã, phường, để cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác và các tổ tiết kiệm – vay vốn nắm được chủ trương cho vay. Giải quyết thích đáng các nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Nhờ đó, tạo thuận lợi trong việc thực hiện chương trình tín dụng HSSV một cách dân chủ, công khai, tiết kiệm được chi phí cho xã hội. NHCSXH tỉnh cũng đã tổ chức mạng lưới giao dịch đến tận xã, phường để kịp thời triển khai công tác giải ngân và thu hồi nợ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.800 tổ tiết kiệm – vay vốn và 159 điểm giao dịch lưu động ở các xã, phường. Nhằm tạo thuận lợi cho gia đình và HSSV vay vốn và sử dụng tiền vay, Chi nhánh còn phối hợp các tổ chức tín dụng phát hành thẻ ATM “Sinh viên lập nghiệp”, hiện có 39.987 thẻ, chiếm gần 85% số HSSV đang vay vốn… Chủ động phối hợp tốt các sở, ngành liên quan để phổ biến, tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi mới cho HSSV, hộ gia đình biết tiếp cận nguồn vốn vay, có chương trình kiểm tra hằng năm để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện… Từ tính hiệu quả của chủ trương này, nhiều hộ gia đình đã tỏ lòng biết ơn và có ý thức tiết kiệm tiền để trả nợ gốc, lãi cho Nhà nước khi đến hạn.
Để nguồn vốn ngày càng phát huy hiệu quả, trong thời gian qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Thọ cũng đã tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, ngân hàng, địa phương và các tổ chức đoàn thể. Thông qua đó giúp ngân hàng nắm bắt con số HSSV được vay ở mỗi trường, mỗi địa phương và việc sử dụng vốn có đúng mục đích hay không, công tác thu hồi nợ sau khi HSSV ra trường như thế nào.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Hồng Thao cho biết, thủ tục vay được tiến hành đơn giản, các hộ chỉ cần có giấy báo nhập học với con em đi học năm đầu; với đối tượng đã học thì mỗi năm lấy giấy chứng nhận của nhà trường kèm với hồ sơ vay vốn là đủ. Ngoài ra, các phòng giao dịch trên địa bàn triển khai tốt công tác cho vay và thu hồi vốn khi đến hạn không để xảy ra trường hợp nợ xấu, nợ quá hạn. Đặc biệt, luôn coi trọng công tác tuyên truyền ngay tại điểm giao dịch, công khai thông tin về khách hàng, thường xuyên thông báo cho người dân biết trước thời hạn các khoản nợ phải trả để họ có thời gian chuẩn bị và trả nợ đúng hạn; chủ động phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, lao động, thương binh và xã hội cùng chính quyền, đoàn thể các địa phương tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc xác nhận gia đình HSSV thuộc đối tượng vay vốn, kịp thời thống kê số lượng HSSV có nhu cầu vay vốn để xét duyệt, bổ sung kế hoạch cho vay. Đối với những trường hợp sai phạm, cho vay không đúng đối tượng theo quy định, sử dụng vốn sai mục đích khi bị phát hiện sẽ có biện pháp xử lý, thu hồi kịp thời. Do nguồn vốn vay phù hợp (một triệu đồng/người/tháng), lãi suất thấp (0,65%/tháng) cho nên việc thu hồi vốn cũng đạt hiệu quả. Mặc dù chưa đến kỳ trả gốc nhưng đã có nhiều gia đình đã tiến hành trả vốn vay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()