Sức khỏe sinh sản vị thành niên- sự quan tâm của toàn xã hội
LSO-Mang thai tuổi vị thành niên đang trở thành vấn đề khá nhức nhối trên phạm vi toàn cầu, nhất là ở các nước kém phát triển.
LSO-Mang thai tuổi vị thành niên đang trở thành vấn đề khá nhức nhối trên phạm vi toàn cầu, nhất là ở các nước kém phát triển. Chủ đề “mang thai tuổi vị thành niên” mà Liên hợp quốc đưa ra nhân ngày Dân số thế giới năm nay chính là sự mong muốn toàn xã hội hãy quan tâm đến vấn đề “nhạy cảm” này.
![]() |
Học sinh Trường THPT Hữu Lũng trong buổi ngoại khóa sức khỏe sinh sản vị thành niên |
Vị thành niên là lứa tuổi tích lũy và chuẩn bị hành trang để bước vào đời. Tuy nhiên, nếu lập gia đình và mang thai sớm, các em sẽ bị tước đi cơ hội phấn đấu để lập thân lập nghiệp. Chưa thể có số liệu thống kê một cách chính xác tình trạng mang thai, nạo hút thai ở lứa tuổi này, song trên thực tế, tình trạng tảo hôn, mang thai sớm luôn là tiền đề của nhiều hạn chế như thất học, đói nghèo và hậu quả của nó không chỉ trong phạm vi gia đình, mà là vấn đề về sức khỏe và giống nòi của cả một thế hệ. Vì vậy, lứa tuổi vị thành niên luôn được coi là “đối tượng đích”trong công tác tuyên truyền, tư vấn về sức khỏe vị thành niên và công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên của công tác dân số/KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở.
Riêng 6 tháng đầu năm 2013, Chi cục Dân số tỉnh đã phối hợp với các phòng GD&ĐT, các trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức 51 buổi ngoại khóa tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên cho trên 10.000 học sinh. Ngoài ra, sự hoạt động của mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” và mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” đã có tác động đáng kể làm giảm tình trạng mang thai vị thành niên. Ghi nhận của chúng tôi tại các trường có phối hợp tổ chức ngoại khóa là sự hào hứng của học sinh khi đề cập đến vấn đề này. Với đặc điểm tâm sinh lý của tuổi mới lớn, học sinh cấp THPT và một bộ phận học sinh cấp THCS đã biết về tình yêu khác giới với những rung động đầu đời vô tư, trong sáng của lứa tuổi. Tuy vậy, do sự hiểu biết còn có hạn, nên nhiều khi các em nhầm tưởng tình yêu đương- bạn bè là tình yêu thực sự nên đã đi quá “giới hạn”. Mặt khác, do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các em dễ tiếp cận với các trang mạng tình dục, nên thường coi tình yêu và tình dục là một. Thầy giáo Bế Đoàn Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT huyện Lộc Bình cho biết, học sinh cấp THPT đã có những kiến thức nhất định về giải phẫu sinh lý, cơ chế thụ thai ở bộ môn Sinh học, các kiến thức về tình bạn, tình yêu được lồng ghép trong các môn học khác. Tuy vậy do chưa được học một cách bài bản, có hệ thống, nên hiểu biết của các em nhiều khi vẫn còn mơ hồ. Khi Chi cục Dân số tỉnh tổ chức lớp ngoại khóa, các em không hề né tránh những vấn đề này, mà tiếp thu nó với một sự nghiêm túc cần thiết. Em Âu Thị Huyền Chi, xã Lục Thôn, huyện Lộc Bình cho biết, là những học sinh người dân tộc thiểu số, vốn sống, kỹ năng sống còn có hạn, lại hay e dè, nhút nhát, nên ở lứa tuổi các em rất cần sự chỉ dẫn của các thầy cô giáo để các em có thêm vốn hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Trong nhà trường, qua các giờ ngoại khóa “khi tôi 18” và nhờ tổ tư vấn tâm lý học đường, các em đã “sáng” ra được nhiều điều. Đó là những kỹ năng sống rất cần thiết của các em. Sau giờ ngoại khóa do Chi cục Dân số phối hợp với Trường THPT Hữu Lũng tổ chức, một học sinh đã mạnh dạn nói lên tình cảnh của mình: “Em đang học lớp 11 thì bố mẹ bảo ở nhà lấy chồng, vì “anh ấy” được tuổi cưới trong năm 2012. Mới 17 tuổi, cháu nghĩ rằng mình chưa làm được gì để chuẩn bị cho tương lai. Lấy chồng rồi thì lại quẩn quanh nương rẫy, chắc chắn sẽ thua bạn bè. Được nhà trường tư vấn, em về nói khéo với bố mẹ, trình bày các lý do rất chính đáng. Lúc đầu rất khó khăn, nhưng sau đó bố mẹ cũng thấy nguôi nguôi và nay thì không nhắc đến nữa.”Chúng ta có cả hệ thống chính trị như cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, các cơ quan chức năng để bảo vệ cho thanh thiếu niên, vị thành niên khỏi bị xâm hại về tình dục. Tuy nhiên, phong tục tập quán lạc hậu của nhiều dân tộc, sự gia trưởng của người đứng đầu các dòng họ, gia đình luôn là “rào cản” cho lứa tuổi vị thành niên phấn đấu. Tệ tảo hôn, thậm chí cưỡng hôn và tình trạng hôn nhân cận huyết thống luôn là vấn đề nhức nhối ở một số thôn bản, sự bùng nổ của thông tin với đầy rẫy những trang Web đen kích dục, bạo lực tình dục…luôn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên.
Bà Trần Thị Kim Hồng, Trưởng phòng Truyền thông, Chi cục Dân số tỉnh cho rằng, với công tác tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên chỉ riêng ngành dân số thì chưa đủ; mà cần thiết phải có sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội
MINH HỒNG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()