Sức hút của du lịch Lâm Đồng
“Kéo” du khách về với buôn làng
Mặt trời đã ngả bên kia đỉnh núi, buôn Đăng Gia của người Cil, Lạch dưới chân núi Lang Biang, Lạc Dương bập bùng bếp lửa gọi chiều. Đoàn xe du lịch nối dài trên cung đường đến chân núi, với những du khách từ nhiều tỉnh, thành phố tìm về miền đất huyền thoại này khám phá những nét văn hóa độc đáo của vùng đất này.
Không gian cổ tích, nguyên sơ. Ngọn lửa rừng hừng hực cháy. Tiếng tù và, tiếng cồng chiêng vang lên. Già làng Krajan Plin mở đầu “đêm nhạc cộng đồng” bằng một câu nói, có lẽ đó là lời xin phép Yàng! Khung cảnh trở nên huyền bí, sự háo hức, lạ lẫm hiện trên những khuôn mặt du khách, khi nghe già làng giới thiệu về mạch nguồn văn hóa người Cơ Ho, truyền thuyết về ngọn Lang Biang hùng vĩ. Ngồi bên tôi, chị Hà Thu, du khách đến từ Cần Thơ bộc bạch: “Mình đi du lịch nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu đến miền đất này. Quả thật, văn hóa Tây Nguyên có sức hút kỳ lạ”. Với hơn 75% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa sinh sống, người Cil, Lạch ở Lạc Dương vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo, đó là không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội, âm nhạc truyền thống, nghề dệt thổ cẩm và văn hóa rượu cần. Không chỉ phát triển theo mô hình du lịch cộng đồng tại buôn làng, ở các điểm du lịch trong huyện như: Khu du lịch Lang Biang, làng Cù Lần, du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà…, các giá trị văn hóa truyền thống cũng được người dân giới thiệu, quảng bá với du khách.
Năm 2013, Lạc Dương đón gần 1,1 triệu lượt khách tham quan, doanh thu đạt 16 tỷ đồng. Trong đó, du khách đến với văn nghệ cồng chiêng hơn 230 nghìn lượt. Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: “Huyện hiện có 12 nhóm biểu diễn âm nhạc cồng chiêng, với khoảng 400 nghệ nhân tham gia. Sự ra đời của các nhóm nhạc này đã tạo sự sôi nổi trong hoạt động văn hóa địa phương, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời mang lại giá trị kinh tế khi tiếp biến trong môi trường du lịch”.
Trưởng nhóm cồng chiêng Yồ Rơng K'Druynh cho biết: “Mỗi nhóm cồng chiêng có khoảng từ 20 đến 30 người, thường phục vụ du khách từ chiều đến tận khuya. Mỗi đợt biểu diễn khoảng từ ba đến bốn giờ, với chương trình giới thiệu văn hóa bản địa, văn hóa thưởng thức rượu cần Lang Biang và phần giao lưu; góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào”.
Ngoài tiết mục biểu diễn văn nghệ cồng chiêng trong hương rượu cần LangBiang, trên những cung đường đất đỏ ba-dan, sức hút từ văn hóa làng người Mạ ở Khu du lịch ĐamB'ri (TP Bảo Lộc); làng gà Đarahoa, làng dệt thổ cẩm K'Long của người Cil (Đức Trọng); làng gốm Krăng Gọ và sự huyền bí của chiếc nhẫn Srí của người Chu Ru (Đơn Dương)… đã “giữ chân” du khách.
Gìn giữ và phát huy
Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Ngọc Lý Hiển chia sẻ: Chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Nhưng phải có cách làm sao để giá trị văn hóa đó phát triển, có truyền thống, có tiếp biến và sử dụng được trong môi trường du lịch, đó chính là vấn đề cần làm hiện nay.
Còn nhớ, năm 1999, khi huyện Lạc Dương thành lập câu lạc bộ văn hóa xã Lát, tập hợp các nghệ nhân người dân tộc bản địa có tâm huyết để truyền dạy văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Mục đích ban đầu là vậy, nhưng bắt nhịp với sự phát triển kinh tế, du khách tìm đến với Lạc Dương ngày càng nhiều, và lần lượt 12 nhóm biểu diễn cồng chiêng ra đời để phục vụ du lịch. Già làng Krajan Plin hồi tưởng: Năm đó, mình bán 10 con trâu để mua dàn đàn, trống hiện đại, cùng với dàn nhạc dân tộc. Mình đứng ra thành lập đội cồng chiêng đầu tiên, hướng dẫn các thanh niên trong buôn chơi chiêng, hát yal yau, tăm pớt, nhờ vậy mà giữ được bản sắc văn hóa riêng của đồng bào.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa việc khai thác, phát huy với việc gìn giữ, tôn tạo. “Chúng ta cần bảo tồn không gian, cảnh quan hiện có; đồng thời biết nuôi dưỡng, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương chia sẻ.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, thời gian qua, nguồn đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là di sản phi vật thể của tỉnh còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn từ Trung ương, cho nên mới chỉ dừng lại ở “bảo tồn hình thái”. Để văn hóa bản địa truyền thống được gìn giữ, bồi đắp và phát triển trong môi trường văn hóa hiện đại, rất mong có sự vào cuộc của nhiều tổ chức, ban, ngành trong nghiên cứu, nhận diện, mang đến cho du khách sản phẩm du lịch đậm chất văn hóa Tây Nguyên.
Khi đó, trên những con đường vào buôn làng sẽ tấp nập du khách. Những làng dệt thổ cẩm, làng gốm, những đêm nhạc cồng chiêng huyền thoại… Sẽ là những điểm đến độc đáo trên hành trình khám phá nét đẹp văn hóa nam Tây Nguyên.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()