Sức hấp dẫn của tranh Việt Nam ở nước ngoài
Chín con cá chép trong hồ nước, tác phẩm của họa sĩ Phạm Hậu vừa đạt mức giá hơn một triệu USD tại sàn đấu giá nước ngoài.
Ðẳng cấp quốc tế
Nhiều năm qua, trên các sàn đấu giá uy tín tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Mỹ, Pháp, Xin-ga-po, Hồng Công (Trung Quốc)…, tranh Việt Nam luôn được chào đón với các tên tuổi hầu hết thuộc thế hệ Mỹ thuật Ðông Dương, như các họa sĩ: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Lê Phổ, Phạm Hậu,… Từ lâu, tranh Việt đã ghi dấu ấn trên thị trường mỹ thuật thế giới, được nhiều nhà sưu tập săn tìm. Thị trường từng ghi nhận những phiên đấu giá thắng lợi rực rỡ của hội họa Việt Nam, gần đây là phiên đấu giá Nghệ thuật đương đại và hiện đại Ðông – Nam Á ngày 1-4-2018 tại Nhà đấu giá nghệ thuật Sotheby’s Hongkong. Phiên đấu có 168 tác phẩm hội tụ những họa sĩ nổi tiếng của mỹ thuật Ðông – Nam Á; trong đó có một số gương mặt của Mỹ thuật Ðông Dương, như: Vũ Cao Ðàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Xuân Phái…
Chiếm 25% số lượng tác phẩm đấu giá tại phiên này, tranh Việt Nam giành được sự yêu thích của các nhà sưu tập với giá khá cao, gấp nhiều lần so với mức khởi điểm và 43 trong tổng số 45 tác phẩm đã đấu giá thành công. Tranh Việt Nam có giá triệu USD là thực tế trên các sàn đấu giá quốc tế. Trong phiên đấu giá Modern art evening sale diễn ra ngày 30-9-2018 tại Sotheby’s Hongkong, năm bức tranh (của các danh họa Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí và Vũ Cao Ðàm) đã được bán tổng cộng gần 2,5 triệu USD, khoảng 60 tỷ đồng. Sau khi bức tranh Family Life (Cuộc sống gia đình) của họa sĩ Lê Phổ được bán đấu giá tại Sotheby’s Hongkong ngày 2-4-2017 với giá 9,1 triệu HKD (tương đương 1.171.005 USD); mới đây nhất, ngày 31-3-2019, lần thứ hai trong lịch sử đấu giá, một bức tranh của họa sĩ Phạm Hậu đã cán mốc hơn một triệu USD, đó là Nine Carps in the water (tạm dịch: Chín con cá chép trong hồ nước, bình phong bốn tấm, sáng tác năm 1939 – 1940), đạt mức giá (có thuế) 1.168.803 USD. Tranh Việt Nam mang đẳng cấp quốc tế, đó là niềm tự hào của hội họa nước nhà.
Sức sống bền vững của hội họa thời kỳ Mỹ thuật Ðông Dương trên sàn đấu quốc tế là điều được khẳng định. Bên cạnh đó, các tên tuổi mỹ thuật Việt Nam hiện đại cũng thường xuất hiện nhưng chưa đạt ấn tượng so với các bậc tiền bối. Sau một lứa họa sĩ tên tuổi bán được tranh ở nước ngoài, như: Hồng Việt Dũng, Lê Thanh Sơn, Nguyễn Trung, Nguyễn Thanh Bình, Ðỗ Quang Em, Ðặng Xuân Hòa, Thành Chương, Phạm Luận…; một số gương mặt thuộc thế hệ kế tục những năm gần đây có thể kể đến, là: Nguyễn Trường Linh, Nguyễn Phúc Lợi, Vũ Ðình Tuấn, Ðinh Thị Thắm Poong… Ðiển hình, tại phiên đấu tháng 5-2018 của Christie’s Hongkong, tác phẩm 165°W (vàng lá trên thùng giấy) của Danh Võ, một nghệ sĩ sinh năm 1975 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, lớn lên tại Ðan Mạch đã gây bất ngờ khi được bán với giá 1.625.000 HKD, tương đương hơn 207 nghìn USD (khoảng 4,5 tỷ đồng).
Ðể mỹ thuật Việt Nam tiếp tục tỏa sáng
Ðiều đáng chú ý là hầu hết tranh Việt Nam giá trị cao trên các sàn đấu quốc tế lại thuộc về các nhà sưu tập trong nước. Nguyên nhân chính cũng bởi trong khoảng 30 năm (1986 – 2016), phần lớn tranh đẹp của Việt Nam đã được bán ra nước ngoài, vì vậy các nhà sưu tập giờ đây muốn sở hữu phải chấp nhận đi mua về, bằng đấu giá trực tiếp hoặc trực tuyến. Chính nhu cầu sở hữu tác phẩm nghệ thuật của họ đã góp phần nâng tầm giá trị tranh Việt Nam trên sàn quốc tế. Từ năm 2017 đến nay, nhiều tác phẩm Mỹ thuật Ðông Dương được chính người Việt trong nước thắng đấu giá ở nước ngoài với mức giá khá cao, như: Mẫu tử (1940) của Lê Phổ, giá 5,16 triệu HKD (khoảng 15 tỷ đồng); Người bán ốc (1929) và Em bé bên chú chim (1931) của Nguyễn Phan Chánh đạt mức giá lần lượt 4,66 triệu HKD và 6,7 triệu HKD (khoảng 13,5 tỷ và 20 tỷ đồng)…
Giới nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, xu hướng bỏ ra cả triệu USD để có trong tay một kiệt tác hội họa Việt Nam đang trở nên phổ biến, bởi đây là kênh đầu tư chắc chắn, sinh lời hấp dẫn. Và dòng tranh mà các nhà sưu tập hướng tới chính là tác phẩm của thế hệ tác giả thời kỳ Mỹ thuật Ðông Dương. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, tranh thời kỳ này hấp dẫn giới sưu tầm trong nước và quốc tế bởi độ hiếm, sự ổn định về tên tuổi đã được ghi nhận với tinh thần Á Ðông mạnh mẽ, thuần khiết – điều mà các dòng tranh sau này ít có được. Nếu so sánh, thì tranh đương đại của các họa sĩ trẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đầu tư. Bên cạnh đó, độ tin cậy với các địa chỉ đấu giá nghệ thuật uy tín quốc tế cũng là một lý do để nhà sưu tập trong nước “lặn lội” săn tìm. Trong số khoảng 200 bức tranh đang sở hữu của nhà sưu tập Nguyễn Minh, có tới hơn một nửa được đấu giá thành công từ nước ngoài mang về. Theo anh, phong cách làm việc chuẩn mực và sự minh bạch trong thẩm định của các nhà đấu giá nổi tiếng thế giới khiến người mua thấy an tâm.
Một thời gian dài, sự hoành hành của nạn tranh giả khiến mỹ thuật Việt Nam bị “mất điểm” cả trên thị trường trong nước và thế giới. Ðiển hình, vụ trưng bày 17 tác phẩm giả và mạo danh trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu ngay tại một địa chỉ nghệ thuật mang tầm quốc gia là Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh vào tháng 7-2016 đã gây cú sốc mạnh; khiến niềm tin với nghệ thuật giảm sút nghiêm trọng, nhiều người bi quan trước “đầu ra” thế giới cho tranh Việt Nam.
Song những phiên đấu giá thành công và nhất là một số tác phẩm vượt ngưỡng triệu USD tại thị trường quốc tế gần đây đã lấy lại phần nào niềm tin và sự hứng khởi của giới yêu nghệ thuật với hội họa Việt Nam. Mới đây, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an chính thức tham gia vào hoạt động thẩm định và hỗ trợ phát hiện, xử lý hành vi làm tranh giả. Ðó là những cố gắng tích cực nhằm góp phần xây dựng một thị trường mỹ thuật minh bạch, lành mạnh. Bên cạnh đó, cũng cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước trong việc dành nguồn kinh phí mua những tác phẩm quý cho các Bảo tàng Mỹ thuật và một số địa chỉ văn hóa, lịch sử quốc gia, có giá trị; vừa để công chúng được thưởng thức tinh hoa nghệ thuật Việt Nam, lại giúp cân bằng thị trường, tránh bị tư nhân trục lợi.
Ý kiến ()