Sức ép và bất đồng
Ngày 29-3 vừa qua, tại Thủ đô Luân Đôn (Anh) diễn ra Hội nghị quốc tế về Li-bi, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao của hơn 40 nước, các nhà lãnh đạo của LHQ, NATO, Liên đoàn A-rập (AL), Liên hiệp châu Âu (EU), Thủ tướng Ca-ta G.A.An Tha-ni và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn.Hội nghị đã thảo luận về tình hình Li-bi, tập trung nỗ lực để gây sức ép buộc Tổng thống M.Ca-đa-phi từ bỏ quyền lực và cam kết tiếp tục các hoạt động quân sự chống quân đội của Tổng thống Ca-đa-phi cho đến khi ông tuân thủ Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ.Các thành phần tham dự hội nghị lần này vẫn chia rẽ về mục tiêu của chiến dịch 'Bình minh Ô-đi-xê' và tính hợp pháp của việc cung cấp vũ khí cho lực lượng chống chính phủ ở Li-bi. Thủ tướng Anh Đ.Ca-mê-rôn phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị đã kêu gọi 'một sự khởi đầu mới cho Li-bi' và cho rằng sự có mặt của các nhà lãnh đạo quốc tế tại hội nghị này là do 'người dân Li-bi không thể tự...
Hội nghị đã thảo luận về tình hình Li-bi, tập trung nỗ lực để gây sức ép buộc Tổng thống M.Ca-đa-phi từ bỏ quyền lực và cam kết tiếp tục các hoạt động quân sự chống quân đội của Tổng thống Ca-đa-phi cho đến khi ông tuân thủ Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Các thành phần tham dự hội nghị lần này vẫn chia rẽ về mục tiêu của chiến dịch 'Bình minh Ô-đi-xê' và tính hợp pháp của việc cung cấp vũ khí cho lực lượng chống chính phủ ở Li-bi. Thủ tướng Anh Đ.Ca-mê-rôn phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị đã kêu gọi 'một sự khởi đầu mới cho Li-bi' và cho rằng sự có mặt của các nhà lãnh đạo quốc tế tại hội nghị này là do 'người dân Li-bi không thể tự mình đi tới tương lai'. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Uy-li-am Ha-gơ chủ trì hội nghị cho biết, những người tham dự hội nghị đã đồng ý rằng 'ông Ca-đa-phi và chế độ của ông đã mất hoàn toàn tính hợp pháp', đồng thời nhất trí tiếp tục hoạt động quân sự cho đến khi ông Ca-đa-phi đáp ứng tất cả các điều kiện của Nghị quyết 1973 về vùng cấm bay ở Li-bi và những biện pháp khác nhằm bảo vệ dân thường. Bộ trưởng Ngoại giao H.Clin-tơn nêu rõ, các cuộc tiến công của liên minh sẽ tiếp tục cho đến khi ông Ca-đa-phi tuân thủ hoàn toàn những yêu cầu của Nghị quyết 1973 ngừng các cuộc tiến công dân thường và rút lực lượng quân sự Li-bi khỏi các thành phố đã chiếm đóng. Các nước và tổ chức quốc tế tham dự hội nghị cần tiếp tục tăng sức ép và cô lập chính quyền Ca-đa-phi bằng các biện pháp khác, trong đó có việc thành lập một mặt trận thống nhất để gây sức ép về chính trị và ngoại giao, buộc ông Ca-đa-phi phải ra đi. Tuyên bố của Hội nghị quốc tế về Li-bi không đề cập kế hoạch sống lưu vong cho ông Ca-đa-phi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao I-ta-li-a Ph. Phra-ti-ni cho biết, những người tham dự hội nghị đã 'hoàn toàn nhất trí' rằng ông Ca-đa-phi phải ra đi. Tại cuộc họp báo sau khi hội nghị kết thúc, Bộ trưởng Ngoại giao H.Clin-tơn nói rằng, một đặc phái viên của LHQ sẽ tới Thủ đô Tơ-ri-pô-li để thảo luận sự lựa chọn về việc ông Ca-đa-phi rời đất nước. Hội nghị quốc tế về Li-bi đã nhất trí thành lập Nhóm tiếp xúc về Li-bi để điều phối các nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ 'tiến trình chuyển giao chính trị' và 'sắp đặt một tương lai' cho nước này, đồng thời nhất trí gia tăng sức ép chính trị và kinh tế đối với ông Ca-đa-phi.
Tại Hội nghị quốc tế về Li-bi đã xuất hiện nhiều bất đồng chung quanh việc cung cấp vũ khí cho lực lượng chống chính phủ ở Li-bi. Bộ trưởng Ngoại giao H.Clin-tơn cho biết, Mỹ chưa quyết định cung cấp vũ khí cho lực lượng chống chính phủ ở Li-bi. Bộ trưởng Ngoại giao U.Ha-gơ nói rằng, vũ trang cho lực lượng chống chính phủ ở Li-bi không được đề cập tại hội nghị, nhưng hỗ trợ người dân tự bảo vệ 'trong hoàn cảnh đặc biệt' là phù hợp nghị quyết của HĐBA LHQ. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp A.Giuýp-pê nêu rõ, mặc dù vũ trang cho lực lượng chống chính phủ ở Li-bi không được đề cập trong Nghị quyết 1973, Pa-ri đã sẵn sàng thảo luận với các đối tác trong liên minh chống Li-bi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ta-li-a M.Ma-xa-ri tuyên bố việc trang bị vũ khí cho lực lượng chống chính phủ ở Li-bi là biện pháp 'quá khích' và sẽ làm chia rẽ cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO A.Ph.Ra-xmút-xen đã phản đối ý định của Mỹ và Anh về việc trang bị vũ khí cho lực lượng chống chính phủ ở Li-bi, khi ông trả lời Hãng thông tấn Sky rằng 'NATO bảo vệ dân thường chứ không trang bị vũ khí cho họ'. Ông nêu rõ chừng nào còn can dự, NATO sẽ chỉ tập trung việc thực thi lệnh cấm vận vũ khí và mục đích rõ ràng của lệnh cấm vũ khí là ngăn chặn hoạt động tuồn vũ khí vào Li-bi. Nga, nước không tham dự Hội nghị quốc tế về Li-bi, cho rằng liên minh chống Li-bi đã đi quá xa những gì mà Nghị quyết 1973 cho phép. Ngày 30-3, Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp nêu rõ, các cường quốc phương Tây không có quyền vũ trang cho lực lượng chống chính phủ ở Li-bi theo sứ mệnh đã được HĐBA LHQ thông qua.
Việc không thể ngăn chặn một cách nhanh chóng hỏa lực của quân đội Chính phủ Li-bi khiến liên minh chống Li-bi phải thúc đẩy các bước can thiệp để hỗ trợ lực lượng chống chính phủ ở Li-bi, trong đó có kế hoạch vũ trang cho lực lượng này. Tuy nhiên, các cường quốc tham dự hội nghị đã bị chia rẽ về tính hợp pháp của việc vũ trang cho lực lượng chống chính phủ ở Li-bi. Bởi, biện pháp này sẽ đẩy các cường quốc trong liên minh dấn sâu hơn vào cuộc nội chiến ở Li-bi, chẳng khác gì họ đang sa lầy ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Hội nghị quốc tế về Li-bi cũng không đưa ra được kế hoạch rõ ràng nào buộc Tổng thống Ca-đa-phi từ bỏ quyền lực. Trong khi đó, lực lượng chống chính phủ ở Li-bi cho biết nếu họ có nhiều vũ khí hơn họ có thể 'kết thúc chế độ Ca-đa-phi trong vài ngày'.
Theo Nhandan

Ý kiến ()