Sức ép từ gia đình đến xã hội
Giờ tập viết của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn |
Nhu cầu có thực
Những ngày cuối cùng của năm học 2016 – 2017, khu vực cổng các trường mầm non (MN) trên địa bàn thành phố Lạng Sơn như: 8/3, 19/5, Liên Cơ, 17/10… luôn có người cầm hàng tập giấy “tuyển sinh” phát cho các bậc phụ huynh. Đọc nội dung tờ giấy do một cơ sở luyện chữ tại đường Trần Đăng Ninh “… mỗi tuần học 2 buổi, mỗi buổi 2 tiếng đồng hồ, học phí 35.000 đồng/buổi. Cơ sở chỉ nhận từ 5 – 6 cháu một ca…”, chị Cao Thị Thìn, phụ huynh học sinh Trường MN 17/10 cho biết: Từ mấy hôm nay em đã nhận được hàng chục tờ giấy “tuyển sinh” như thế này. Dù nhận được ở cổng trường, đầu ngõ hay cửa nhà… hầu hết “thông báo” được viết tay trên giấy vở học sinh và phô tô với nét chữ rất đẹp nhằm thu hút sự quan tâm của phụ huynh. Ông Hứa Viết Tân, một phụ huynh nói thêm: Cho con đi học thêm chữ là cần thiết rồi, song bố trí vào ca sáng, chiều hay tối là cả một vấn đề. Vả lại, từ chỗ cháu chưa biết viết, nay chỉ với mỗi tuần 2 buổi liệu đã ổn để vào lớp 1?
Một cô giáo dạy tiểu học cho biết: Trên thực tế, bước vào lớp 1 mà chưa biết đọc, biết viết, các cháu sẽ thiếu tự tin trước các bạn. Từ chỗ thiếu tự tin sẽ dẫn đến học yếu và không thích đi học nữa. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, nhu cầu học thêm để rèn chữ trong hè đối với các cháu học sinh 5 tuổi trở thành nhu cầu tất yếu; nhiều khi là áp lực cho mỗi gia đình và chính bản thân các cháu.
Tập viết có phải là “đi trước chương trình”
Trong hè, các cơ sở trông giữ trẻ, dạy thêm, học thêm ở khu vực thành phố lại nở rộ. Nhiều gia đình gửi con vào học hè trước hết để giải quyết vấn đề trông giữ trẻ, còn học thêm chỉ là thứ yếu. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có sự kỳ vọng rất lớn đối với cơ sở luyện chữ, rằng con, cháu mình phải đọc thông, viết thạo. Vô tình sự kỳ vọng ấy sẽ đã trở thành sức ép đối với giáo viên và cơ sở dạy thêm và chính con em mình. Người dạy do yếu tố thời gian nên “đốt cháy công đoạn”, ít quan tâm đến tư thế, cách cầm bút, cách viết; trẻ học thì “cố” để bố, mẹ, ông, bà vui lòng. Và như vậy, hiệu quả vừa không cao lại ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển bình thường của trẻ. Ông Trần Mạnh Hùng, phường Chi Lăng chia sẻ: Năm ngoái, cho cháu đi học thêm để luyện chữ, suốt 1 tháng, tốn bạc triệu mà chẳng thấy viết được chữ nào đẹp. Bực cháu, trách cô giáo, tôi chuyển cháu đi cơ sở khác, song khi vào lớp 1 thì chữ của cháu cũng chẳng đẹp hơn.
Về vấn đề dạy trước chương trình lớp 1, ngày 28/6/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT, trong đó ghi rõ: “Dạy và học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1 vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm, sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt”. Việc dạy đọc, dạy viết cho trẻ 5 tuổi trong hè rõ ràng là dạy trước chương trình. Bà Dương Hồng Minh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn cho rằng: Các cơ sở chỉ nên dừng lại ở việc cho trẻ nhận biết mặt chữ, tập viết theo kiểu tô lại những nét đứt gãy của chữ mẫu, sau đó tập viết từng chữ. Tuyệt nhiên không nên cho trẻ tập viết một đoạn văn dài. Đặc biệt, quan tâm uốn nắn cho trẻ tư thế ngồi, cách cầm bút, cách phát âm khi đọc chữ cái… Cho dù là “học khoán, dạy kèm” cũng nên theo tính chất “vừa học, vừa chơi”, làm cho tiết học nhẹ nhàng, thoải mái. Phụ huynh cũng không nên có kỳ vọng quá cao về học thêm trong hè mà gây sức ép với con trẻ.
Ý kiến ()