Sức ép trong công tác tuyển sinh vẫn lớn
Giờ học của học sinh lớp 5 tuổi, Trường Mầm non nông thôn xã Quảng Lạc |
Thực trạng công tác tuyển sinh tại các trường MN công lập
Thành phố Lạng Sơn hiện có 9 trường MN công lập, 5 trường tư thục và 12 nhóm trẻ độc lập. Năm học 2013-2014 đã thu hút 44,4% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 100% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo trên địa bàn. Tỷ lệ thu hút là như vậy, song nếu tính riêng các trường MN công lập, thì với CSVC và đội ngũ giáo viên như hiện nay mà tuyển sinh theo đúng quy định về số học sinh/ lớp như quy định của Điều lệ trường MN thì chỉ đạt được 25% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và trên 60% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế về CSVC, đội ngũ giáo viên của các nhà trường và đặc điểm dân cư thành phố, ngành GD&ĐT thành phố đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh hằng năm với mức tuyển sinh vượt sĩ số quy định của ngành. Vượt như vậy song vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của tất cả các gia đình và tình trạng tuyển sinh vượt kế hoạch vẫn cứ diễn ra.
Trong câu chuyện của người dân khi năm học mới bắt đầu, điều mà họ quan tâm nhất là việc con cháu mình có được nhận vào các trường MN công lập trên địa bàn hay không. Chị Nguyễn Thị H. ở phường Chi Lăng phản ánh ngay khi năm học cũ kết thúc, chị đã “ngóng” các trường MN trên địa bàn như Trường 19-5, Trường 8-3 xem có tuyển sinh 2 tuổi hay không; chị còn quan tâm đến số lượng tuyển là bao nhiêu để “lượng” xem con mình có cơ hội không. Còn ông Hoàng Văn T. có cháu nội sinh năm 2011, muốn cho cháu vào Trường MN 8-3, nhưng “nghe ra” số lượng tuyển thì ít, mà số cháu trên địa bàn thì nhiều, cơ hội của cháu ông cũng chỉ là “50-50”. Gặp tôi, ông phàn nàn, hồ sơ đã mua rồi nhưng không biết thế nào, nghe nói “loại” nhiều lắm; cho con cháu đi học MN mà cứ phấp phỏng như ngóng giấy báo vào đại học; nghe tin cháu đã “trúng tuyển”, gia đình mừng như trúng số… độc đắc.
Làm việc với phòng GD&ĐT thành phố, chúng tôi được biết, đúng là công tác tuyển sinh cấp học MN trên địa bàn thành phố năm nay “căng” hơn năm ngoái. Lý do chủ yếu là số trẻ sinh năm 2012 (năm con rồng) tăng cao và bây giờ ngành học MN phải “gánh”. Theo số liệu điều tra, toàn thành phố có 1.537 trẻ tuổi con rồng (sinh năm 2012) và 4.221 trẻ 3-4 tuổi (sinh năm 2010 và 2011). Trong kỳ tuyển sinh 2014-2015 vừa qua, các trường công lập đã nhận 1.172 hồ sơ trẻ 2 tuổi và 401 hồ sơ trẻ 3,4 tuổi. Số trẻ 2 tuổi được nhận vào học tại các trường công lập là 862 trẻ, chiếm tỷ lệ 56,1% tổng số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn và đạt 73,5% so với tổng số hồ sơ đã nhận (vượt kế hoạch 199 trẻ). Số trẻ 3,4 tuổi được nhận vào học là 337 cháu, đạt 84% so với số hồ sơ đã nhận (vượt kế hoạch 9 trẻ).
Như vậy, có thể thấy, mặc dù đã tuyển sinh vượt kế hoạch, các nhà trường đã “quá tải” so với điều kiện CSVC và đội ngũ giáo viên, song năm học 2014-2015 vẫn còn tới 675 trẻ 2 tuổi, chiếm tỷ lệ gần 44% số trẻ 2 tuổi trên địa bàn không có cơ hội vào các trường MN công lập.
Nhiều sự lựa chọn
Sau các trường MN công lập, các trường MN dân lập đã bước vào kỳ tuyển sinh. Đến cuối tháng 7 đã có một số trường dân lập đủ chỉ tiêu, song vẫn còn nhiều trường chưa đủ học sinh như trường MN Tuổi Thần Tiên (khu tái định cư Phai Luông, phường Chi Lăng), Trường MN tư thục Đông Kinh phường Đông Kinh. Hai trường này có CSVC rất tốt, có đội ngũ CBGV đạt chuẩn, nhiều kinh nghiệm song vẫn chật vật trong công tác tuyển sinh. Một trong những nguyên nhân mà người dân chưa thật mặn mà với loại hình ngoài công lập là học phí còn cao (gấp từ 8-9 lần học phí các trường công lập); bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn nghi ngại về chất lượng nuôi dạy của loại hình này. Tuy nhiên, theo cô Lê Thị Trần Phương, Phó Phòng GD&ĐT thành phố, thì những trường này có thế mạnh hơn hẳn các trường công lập về CSVC, đặc biệt là Trường MN tư thục Đông Kinh và Trường MN Tuổi Thần Tiên và các trường này luôn là sự lựa chọn của những gia đình có thu nhập khá. Ngoài ra, năm học 2014-2015, người dân thành phố sẽ có thêm sự lựa chọn khá “hoàn hảo”, đó là Trường MN chất lượng cao Anh Việt tại phường Tam Thanh với chương trình nuôi dạy tiên tiến; tuy nhiên trường này cũng có mức học phí khá “khủng” so với thu nhập của nhiều người dân (1,9 triệu đồng/ tháng). Chúng tôi được biết, tuy mới bước vào hoạt động song nhà trường đã thu nhận gần 100 cháu thuộc các lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo.
Ý kiến ()