Để tiết kiệm điện, chính quyền thành phố yêu cầu hạn chế các thiết bị chiếu sáng tại Thủ đô Xơ-un. Hàn Quốc từng được nhiều nhà kinh tế ví là "thiên đường" trú ngụ an toàn của các chủ đầu tư trong bối cảnh ảnh hưởng của những "cơn bão nợ công" đang lan rộng toàn cầu. Tuy nhiên, việc giá dầu mỏ tăng liên tiếp do những bất ổn ở khu vực Trung Đông đã đặt ra không ít sức ép đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.Hàn Quốc là một trong bốn quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản) và là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ bảy thế giới. 97% nhu cầu năng lượng của xứ sở kim chi, tương đương 10% GDP của Hàn Quốc, phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó, 82% nguồn cung dầu mỏ của quốc gia này đến từ Trung Đông. Do vậy, Hàn Quốc sẽ là một trong những nước đầu tiên chịu tác động nặng nề trước những biến động trên thị trường "vàng đen" thế giới. Cuối tháng 2-2012, giá bán lẻ...
Để tiết kiệm điện, chính quyền thành phố yêu cầu hạn chế các thiết bị chiếu sáng tại Thủ đô Xơ-un. |
Hàn Quốc từng được nhiều nhà kinh tế ví là “thiên đường” trú ngụ an toàn của các chủ đầu tư trong bối cảnh ảnh hưởng của những “cơn bão nợ công” đang lan rộng toàn cầu. Tuy nhiên, việc giá dầu mỏ tăng liên tiếp do những bất ổn ở khu vực Trung Đông đã đặt ra không ít sức ép đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.
Hàn Quốc là một trong bốn quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản) và là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ bảy thế giới. 97% nhu cầu năng lượng của xứ sở kim chi, tương đương 10% GDP của Hàn Quốc, phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó, 82% nguồn cung dầu mỏ của quốc gia này đến từ Trung Đông. Do vậy, Hàn Quốc sẽ là một trong những nước đầu tiên chịu tác động nặng nề trước những biến động trên thị trường “vàng đen” thế giới. Cuối tháng 2-2012, giá bán lẻ xăng tại Hàn Quốc đã tăng mạnh và chạm mức kỷ lục 1,993 uôn/lít (tương đương 1,76 USD) sau khi căng thẳng giữa I-ran và phương Tây gia tăng và bất ổn chính trị làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ ở các quốc gia Trung Đông khác như Xy-ri, Y-ê-men và Xu-đăng. Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc lo ngại, giá dầu thô tại thị trường Đu-bai có thể tăng tới 180 USD/thùng, hoặc ở mức trung bình 135 USD/thùng trong năm 2012.
Trong khi “cơn sốt” nợ công đang lan rộng ở khu vực đồng ơ-rô, ở Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới ít có dấu hiệu khởi sắc, thì Hàn Quốc lại trở thành một “ngôi sao sáng” trên bầu trời kinh tế thế giới với mức tăng trưởng 6,1% năm 2010 và hạ cánh an toàn trong năm 2011. Tuy nhiên, giá dầu mỏ tăng cao là mối đe dọa tiềm tàng, khiến các nhà hoạch định chính sách kinh tế Hàn Quốc phải “đau đầu” trong năm nay. Giá dầu mỏ liên tục “leo thang” là một trong những yếu tố đẩy lạm phát tăng cao, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế nước này. Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, giá dầu thô tăng 10% kéo theo lạm phát tăng 0,12%. Các hãng hàng không và doanh nghiệp vận chuyển là những ngành dễ bị tổn thương nhất do giá “vàng đen” biến động bởi các khoản chi dành cho mua nhiên liệu, chiếm 20% đến 30% ngân sách. Chi phí vận tải tăng sẽ kéo theo một loạt những thay đổi về giá hàng hóa và dịch vụ. Điều này khiến sức mua của người dân trên thị trường giảm mạnh và gia tăng gánh nặng lên vai những người có thu nhập thấp. Thị trường tiêu dùng của Hàn Quốc thời gian qua có dấu hiệu chững lại do giá lương thực tăng cao. Do vậy, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc lo ngại, một “cú sốc” dầu mỏ tiếp theo có thể khiến tăng trưởng kinh tế của nước này trở nên “mong manh” hơn. Để kiềm chế giá cả tăng vọt, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, điều này có thể cản trở xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp mũi nhọn chiếm 43% GDP của quốc gia này. Trong thời gian qua, xuất khẩu của Hàn Quốc có xu hướng chững lại trong khi tỷ giá đồng nội tệ ở mức cao, tác động mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế của xứ sở kim chi trong năm nay.
Kể từ khi “Mùa xuân A-rập” lan rộng khắp Trung Đông, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc đã tổ chức nhiều cuộc họp để đưa ra những biện pháp đối phó giá nhiên liệu tăng. Sau khi giá dầu thô vượt quá ngưỡng 120 USD/thùng, Xơ-un đã nâng mức cảnh báo “mầu vàng”. Cuối tháng 2-2012, Hàn Quốc đã ra lệnh cắt điện tại những cây cầu bắc qua sông Hàn ở Xơ-un, điểm tham quan chính của thủ đô, nhằm hạn chế sử dụng các thiết bị chiếu sáng không cần thiết “để giảm đến mức thấp nhất việc tiêu thụ điện”. Chính quyền thành phố yêu cầu tắt các thiết bị chiếu sáng ở phía mặt tiền của các tòa nhà dân cư, tòa nhà cao tầng và biển quảng cáo… đồng thời đưa ra mức phạt tiền lên tới 2.000 ơ-rô đối với những trường hợp vi phạm. Nhiều doanh nghiệp khuyến khích nhân viên hạn chế không sử dụng phương tiện cá nhân ít nhất một lần/tuần. Các nhà xuất khẩu Hàn Quốc cũng đang “chạy đua” để tìm các biện pháp nhằm cắt giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất để bù giá nguyên liệu thô và chi phí vận chuyển tăng cao.
Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực chèo lái con thuyền kinh tế của nước mình trước cơn bão giá dầu mỏ. Tổng thống Li Miêng Pắc đã thăm một số quốc gia ở khu vực Trung Đông nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp dầu mỏ. Đây được coi là một biện pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhiên liệu, tiếp tục giữ vững tăng trưởng kinh tế của xứ sở kim chi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()