Sức ép cạnh tranh trong thu hút FDI
Theo kết quả nghiên cứu về đánh giá tác động vĩ mô của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam và trường hợp ngành chăn nuôi do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Đại học Quốc gia công bố mới đây, tham gia TPP, mức tăng GDP của Việt Nam chủ yếu nhờ đầu tư và chi tiêu từ tự do hóa thương mại. Vậy TPP sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào Việt Nam như thế nào? Phóng viên (PV) Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với TS Phan Hữu Thắng (ảnh nhỏ), nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, việc tham gia TPP sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước TPP. Ông có thể nói cụ thể hơn về những cơ hội tiềm năng này?
TS Phan Hữu Thắng:Việc tham gia TPP sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, bao gồm cả đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FII) và các nguồn đầu tư ngoại khác. TPP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) kiểu mẫu của thế kỷ 21, với mức độ sâu hơn, rộng hơn WTO về các lĩnh vực cắt giảm các dòng thuế; tăng độ mở cửa của dịch vụ; tăng cường quy định liên quan đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường minh bạch trong cạnh tranh; các vấn đề về lao động… Với các nội dung và yêu cầu của một FTA có độ mở lớn như TPP, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, từ đó kéo theo dòng vốn đầu tư giữa Việt Nam với các nước trong khối và cả các nước ngoài khối TPP. Các nhà đầu tư ngoài khối TPP sẽ đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi ưu đãi thuế quan. Từ năm 2013 trở lại đây, trước việc TPP sẽ trở thành hiện thực, nhiều dự án về dệt may, giày da,… từ các nước ngoài khối TPP đã đổ vào Việt Nam là một thí dụ cụ thể về khả năng tăng trưởng thu hút FDI từ các nước ngoài khối TPP.
Về FII, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) là hoạt động phổ biến trên thị trường đầu tư quốc tế, nhất là đối với các nước đang phát triển có cơ sở pháp lý M&A rõ ràng, thống nhất và minh bạch sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư ngoại. Làn sóng M&A tại Việt Nam gia tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại các doanh nghiệp (DN) trong nước gia tăng đáng kể (điển hình là vụ Tập đoàn BJC – Thái-lan đã mua lại hệ thống siêu thị Metro với giá trị 870 triệu USD). Việc Việt Nam tham gia TPP sẽ thúc đẩy làn sóng M&A vào Việt Nam trong giai đoạn tới.
Trên thị trường vốn, nhiều nhà đầu tư lớn của nước ngoài (các quỹ đầu tư, các tập đoàn tài chính,…) đã có mặt tại Việt Nam. Cụ thể như tổng số nhà đầu tư Hoa Kỳ tại thời điểm hiện nay lên đến 995 nhà đầu tư, với 565 là nhà đầu tư tổ chức và 430 cá nhân đầu tư. Ngoài ra, quan hệ Việt Nam với các nước, nhất là với Hoa Kỳ thông qua TPP đã phát triển lên tầm cao mới, không những thúc đẩy các tổ chức, tập đoàn, công ty, cá nhân nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam thông qua FDI, FII, mà còn thúc đẩy nguồn kiều hối của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư trong nước. Các chính sách mới đây của Chính phủ Việt Nam thông qua các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2015, nới “room” trên thị trường chứng khoán, tách bạch giữa đầu tư với kinh doanh, cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam để sử dụng hoặc cho thuê lại… sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam.
PV: Rõ ràng, cơ hội thu hút FDI và FII từ các nước TPP là rất lớn, đặc biệt đây lại là những đối tác đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính, trình độ quản lý cao, công nghệ nguồn…Vậy để nắm bắt, tranh thủ những cơ hội này, Việt Nam cần phải làm gì, thưa ông?
TS Phan Hữu Thắng:Để tranh thủ được cơ hội từ TPP, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư như sớm hoàn thành các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể việc thực thi các luật mới ban hành (như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi…); xóa bỏ tình trạng nợ đọng các văn bản pháp lý khác của các bộ, ngành; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ công chức nhà nước trong thực thi công vụ liên quan đầu tư và kinh doanh… đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các DN Việt Nam hiểu mình đang phải đối mặt các thách thức từ hội nhập, phải làm gì để tận dụng các cơ hội do hội nhập mang lại, kết nối, liên kết như thế nào với các DN FDI để nguồn vốn FDI có tác động lan tỏa tới khu vực kinh tế trong nước…
PV: TPP không chỉ mang lại cơ hội mà còn cả những thách thức đan xen. Xin ông cho biết, trong lĩnh vực đầu tư, thách thức lớn nhất từ TPP là gì?
TS Phan Hữu Thắng:Đúng là TPP không chỉ mang lại cơ hội mà còn mang đến cả những thách thức. Trong đầu tư, cũng giống như trong thương mại, sức ép về cạnh tranh thu hút các dòng vốn ngoại vào Việt Nam không kém gì sức ép cạnh tranh trong xuất khẩu, bởi cơ hội thu hút đầu tư thông qua TPP không chỉ dành riêng cho Việt Nam mà còn cho tất cả các nước thành viên khác và quyền đầu tư ở đâu là do các nhà đầu tư nước ngoài quyết định. Môi trường đầu tư của các nước bao gồm nhiều yếu tố, từ thể chế, hệ thống luật pháp chính sách, quản trị của Chính phủ, cơ sở hạ tầng và cung ứng dịch vụ, nguồn lao động,… Nếu những yếu tố này có tính cạnh tranh cao hơn sẽ thu hút được nguồn vốn ngoại nhiều hơn. Nếu môi trường đầu tư của Việt Nam không được đổi mới, nâng cao tính cạnh tranh, mà tụt hậu so với các nước khác, cũng không thể tận dụng được cơ hội thu hút vốn đầu tư do TPP mang lại.
Cơ hội thu hút FDI từ các nước thành viên TPP và cả các nước ngoài TPP sẽ rất lớn nhưng cũng đặt ra thách thức là sẽ có nhiều các dự án có hàm lượng kỹ thuật – công nghệ thấp, dễ gây ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực khác nhau như dệt nhuộm, may mặc, da giày,… vào Việt Nam và từ các nước mà Việt Nam đang nhập siêu, nên cần biết loại bỏ các dự án nêu trên. Cần tập trung thu hút đầu tư của các đối tác thành viên TPP, nhất là các nước có kỹ thuật – công nghệ nguồn để tiếp nhận, nắm bắt được công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của DN, sản phẩm Việt Nam về lâu dài. Cũng phải biết nói không với các nhà đầu tư “cơ hội” với quy mô dự án nhỏ, không có mục tiêu làm ăn lâu dài tại Việt Nam và sản xuất chủ yếu là gia công.
Một thách thức nữa trong đầu tư, thông qua các FTA, trong đó có TPP là công tác nghiên cứu, đánh giá các loại hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua còn yếu, nên hầu như không có bức tranh tổng thể về đầu tư nước ngoài, bao gồm cả FDI, FII, ODA, kiều hối, NGO,… tại Việt Nam theo các giai đoạn hội nhập kinh tế để có được một cách nhìn tổng thể, xây dựng được một giải pháp chung, toàn diện cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong từng thời kỳ. Trong quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, cần có một nghiên cứu, đánh giá, báo cáo tổng thể như vậy để có được các giải pháp hữu hiệu tận dụng được tất cả các cơ hội do hội nhập mang lại và phát huy hết được tiềm năng của Việt Nam.
Cuối cùng, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguyên vật liệu ở trong nước vì theo quy tắc xuất xứ, xuất khẩu vào các nước thành viên TPP muốn được hưởng thuế suất thấp, phải có nguyên liệu tự sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên, nên việc chuyển nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ ngoài TPP đang thực hiện hiện nay sang các nước thành viên TPP cũng không hoàn toàn dễ dàng và khó có thể làm ngay được.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Đến nay, FDI của các nước thành viên TPP vào Việt Nam có số vốn FDI đăng ký đạt hơn 100 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng số vốn FDI tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản 37,6 tỷ USD, Hoa Kỳ 11 tỷ USD, Ma-lai-xi-a 10,8 tỷ USD, Ca-na-đa 5 tỷ USD… |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()