Sức dân vùng khó
LSO-Bình Gia là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về có lượng cầu tạm qua sông suối tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lớn nhất. Vì vậy, từ năm 2015 trở lại đây, cấp ủy, chính quyền huyện đã có kế hoạch và lộ trình thay đổi cầu tạm bằng những cây cầu có kết cấu vững chắc hơn bằng cơ chế huy động nguồn lực tại chỗ kết hợp sự hỗ trợ từ nhà nước. Chủ trương trên đã được huyện triển khai thực hiện có hiệu quả.
Một vị trí cầu tạm được xóa bằng cầu bê tông cốt thép tại xóm Mồ Hẩu, thôn Nà Dẳn, xã Hồng Thái |
Theo số liệu thống kê năm 2015, toàn huyện Bình Gia có 154 vị trí cầu tạm do nhóm hộ dân tự làm và quản lý có kết cấu giản đơn, tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ông Hoàng Văn Hướng, Phó Chủ tịch HĐND huyện Bình Gia cho biết: Sau khi rà soát toàn bộ hệ thống cầu tạm trên địa bàn huyện, UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Trước mắt, tập trung xóa cầu tạm tại các xóm có từ 15 hộ dân trở lên. Để làm cầu các hộ dân đối ứng bằng vật liệu cát, đá, sỏi (đóng góp tiền mua vật liệu đối với những địa bàn không khai thác được vật liệu tại chỗ), nhân công tại vị trí cầu; nhà nước hỗ trợ vật tư sắt, thép xi măng và kỹ thuật.
Ngay sau khi ban hành kế hoạch xóa cầu tạm, UBND huyện đã chỉ đạo các xã phổ biến chủ trương tới từng thôn, xóm, nhóm hộ có vị trí cầu tạm cần xóa. Trong đó, nêu bật tính cấp thiết và lợi ích của việc bê tông cầu tạm, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội của thôn, xã. Ngoài ra, các thôn cũng nêu rõ đây là chương trình nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân đóng góp là chính, nhà nước hỗ trợ. Bên cạnh đó, các thôn còn vận động bà con làm ăn xa quê đóng góp nguồn lực để cùng chung sức xóa cầu tạm, mọi nguồn lực thu được đều được công bố công khai, sử dụng minh bạch, nhân dân trực tiếp giám sát việc xây dựng cầu. Trong quá trình xây dựng cầu, nhất là các mố móng cầu, Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống công trường xây dựng để hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ bà con làm cầu bảo đảm chất lượng.
Từ chủ trương đúng, hợp lòng dân, kế hoạch thay cầu tạm của huyện Bình Gia đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.
Xã Hồng Thái là một trong 13 xã trên địa bàn huyện Bình Gia có phong trào xóa cầu tạm hiệu quả, chất lượng. Theo số liệu thống kê, năm 2015, toàn xã có 11 vị trí cầu tạm cần được cứng hóa, tạo điều kiện cho người dân đi lại được an toàn. Sau 3 năm triển khai, đến cuối năm 2017, toàn xã đã cứng hóa được 9/11 cầu tạm bằng bê tông cốt thép, người dân đã đóng góp gần 150 triệu đồng mua vật tư đối ứng để làm cầu. Nhiều thôn thực hiện tốt phong trào xóa cầu tạm như: Nà Dẳn, Nà Viển, Bản Nghiệc…
Theo số liệu thống kê của huyện Bình Gia, từ năm 2015 đến hết năm 2017, toàn huyện đã cứng hóa được 66 vị trí cầu tạm với tổng chiều dài hơn 650 m. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 800 triệu đồng để xây dựng cầu; nhà nước hỗ trợ vật tư, sắt thép, xi măng, kỹ thuật trị giá hơn 600 triệu đồng. Các vị trí cầu tạm đã được cứng hóa với chi phí xây dựng siêu rẻ (kinh phí bình quân mỗi cầu hơn 21 triệu đồng).
Có thể thấy, cách xóa cầu tạm của huyện Bình Gia tốn ít kinh phí nhưng hiệu quả cao. Ông Lý Văn Sèn, Trưởng thôn Nà Dẳn, xã Hồng Thái cho biết: Trong năm 2017, thôn triển khai huy động dân xây 2 cây cầu bê tông cốt thép bắc qua suối, mỗi cầu dài 18 m, mặt cầu rộng 2 m, nếu nhà nước đầu tư chắc chắn mỗi cây cầu phải tốn hơn 400 triệu đồng, nhưng với sự hỗ trợ của nhà nước bằng xi măng, sắt thép, kỹ thuật, 2 cây cầu của thôn chỉ tốn 70 triệu đồng, trong đó 40 hộ dân của 2 xóm: Mồ Hẩu và Cốc Pục góp 40 triệu đồng, nhà nước hỗ trợ sắt, thép trị giá 30 triệu đồng.
Theo kế hoạch của UBND huyện Bình Gia, từ nay đến hết năm 2020 sẽ xóa thêm 70 vị trí cầu tạm trên địa bàn huyện theo phương thức trên. Ông Hoàng Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: UBND huyện luôn sẵn sàng hỗ trợ các thôn xóa cầu tạm, các thôn chủ động đăng ký và đối ứng vật liệu, mặt bằng trước để phòng chuyên môn xuống khảo sát và hỗ trợ kỹ thuật xây dựng cầu. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()