Sức dân ở Quảng Lạc
LSO-Trong ba xã ngoại thành của thành phố, Quảng Lạc là xã khó khăn nhất. Chính vì vậy, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới Quảng Lạc đã có cách làm riêng phù hợp với điều kiện thực tế, đó là: sử dụng hiệu quả nguồn lực tổng hợp từ sức dân, các đơn vị tài trợ và ngân sách nhà nước để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Thi công công trình cầu vào khu trung tâm xã Quảng Lạc |
Cuối tháng 9/2016, có dịp khảo sát thực tế tại thôn Quảng Hồng II, xã Quảng Lạc, những gì chúng tôi ghi nhận được là các con đường trục thôn không hề có rác, từng ngôi nhà và các công trình phụ trợ của các hộ gia đình được quy hoạch khá hợp lý và sạch sẽ.
Ông Hoàng Văn Hác, Bí thư Chi bộ thôn Quảng Hồng II cho biết: 100% các hộ dân thôn Quảng Hồng có nguồn thu nhập chính từ làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế của từng gia đình không đồng đều. Chính vì vậy, khi thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới, tập thể chi bộ thôn luôn đau đáu làm sao để bà con hàng xóm hiểu chính sách của nhà nước từ đó tự nguyện vào cuộc cùng xã thực hiện từng tiêu chí sao cho hiệu quả nhất.
Năm 2011 thôn triển khai làm tuyến đường trục thôn phục vụ đi lại cho gần 10 hộ gia đình, gia đình ông Hác đã tự nguyện để mở rộng nền, mặt đường bê tông vào phần đất của mình với diện tích hiến trên 30 mét vuông. Ngoài ra ông còn tham gia khai thác cát sỏi, đóng góp tiền mặt để làm đường bê tông và nhà văn hóa thôn.
Từ sự gương mẫu đó, bà con trong thôn đồng lòng hưởng ứng, khi thôn xây dựng công trình hạ tầng công cộng đều đóng góp nguồn lực để cùng triển khai xây dựng. Đến nay sau hơn 5 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn đã cứng hóa được 12 tuyến đường trục thôn với chiều dài gần 2km; xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn và cải tạo được trên 20 công trình chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh theo phương thức nhà nước hỗ trợ xi măng nhân dân tự làm, trị giá hơn 200 triệu đồng. Đáng chú ý trong thôn có 63 hộ dân thì có 10 hộ tự nguyện hiến đất mở rộng đường trục thôn với diện tích trên 500 mét vuông.
Không chỉ ở Quảng Hồng II, nhiều thôn khác cũng đã có những cách huy động nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới khá hiệu quả như thôn Quảng Liên I, Quảng Liên II, Quảng Liên III, Quảng Trung I, Quảng Trung II…
Theo số liệu thống kê của UBND xã Quảng Lạc trong hơn 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới toàn xã đã huy động từ nhân dân (tiền mặt, ngày công lao động, vật liệu) vốn cộng đồng dân cư đạt 28,9 tỷ đồng. Trong đó, huy động làm giao thông thủy lợi được hơn 5,3 tỷ đồng; hộ gia đình tự đầu tư sửa chữa làm mới nhà cửa đạt 19 tỷ đồng; xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nhà tiêu hợp vệ sinh gần 3,5 tỷ đồng và vốn để thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa phát triển sản xuất đạt hơn 200 triệu đồng…
Không những thế, hiện Quảng Lạc cũng là xã đầu tiên thực hiện được quy hoạch khu trung tâm xã với diện tích 1,8 ha. Để xây dựng các công trình theo quy hoạch, 13 hộ dân có đất nằm trong quy hoạch đã cam kết bàn giao mặt bằng trước, nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ sau để xã triển khai thi công các công trình như trụ sở làm việc, nhà văn hóa xã, trạm y tế và điểm bưu điện xã đáp ứng được yêu cầu tiến độ.
Ông Phạm Đình Duy, Trưởng phòng Kinh tế, Phó Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố Lạng Sơn cho biết: trong quá trình thực hiện các chương trình, kế hoạch về xây dựng nông thôn mới triển khai tại cơ sở luôn nhận được sự ủng hộ của người dân từ tiếp nhận thông tin đến ý thức tự giác trong hành động. Chính vì vậy, đến tháng 9/2016 xã Quảng Lạc đã hoàn thành 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()