Sức bật từ đầu tư hạ tầng
LSO-Thời gian qua, tỉnh đã và đang đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu. Qua đó, tạo sức bật cho hoạt động thương mại biên giới, thúc đẩy xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua địa bàn.
Xe chở hàng qua đường chuyên dụng dành cho xe xuất, nhập khẩu |
Hiện tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, các hạng mục, công trình phục vụ quản lý nhà nước, hoạt động XNK, xuất nhập cảnh, hệ thống bến bãi… được tỉnh đầu tư cơ bản hoàn thiện. Trong đó, tháng 8/2013, công trình Trung tâm dịch vụ khu vực cửa khẩu với tổng vốn đầu tư trên 194 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ tốt nhu cầu quản lý XNK, xuất nhập cảnh. Đặc biệt, năm 2017, công trình tòa nhà Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị; tuyến đường chuyên dụng XNK hàng hóa qua mốc 1119 – 1120 hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập cảnh, XNK hàng hoá.
Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình như: trục đường giao thông nối với quốc lộ 4A (Pắc Luống – Tân Thanh); khu tái định cư Tân Thanh, đấu nối đường bộ tại cặp chợ biên giới Tân Thanh (Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc)… Tại cửa khẩu phụ Cốc Nam, đã đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện các hạng mục như: nhà kiểm soát liên hợp, nhà công vụ cho các lực lượng chức năng, hệ thống bến bãi… Qua đó, góp phần thu hút doanh nghiệp XNK qua địa bàn, tổng kim ngạch XNK hàng hóa ngày càng tăng như: năm 2017, tổng kim ngạch XNK tại cửa khẩu Tân Thanh đạt 878,648 triệu USD, tăng 7,81% so với năm 2016; quý I/2018, tổng kim ngạch XNK đạt 174,833 triệu USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ 2017. Tại cửa khẩu Cốc Nam, tổng kim ngạch XNK năm 2017 đạt 1.158,159 triệu USD, tăng 260% so với năm 2016; quý I/2018, tổng kim ngạch XNK đạt 226,473 triệu USD, tăng 115% so với cùng kỳ năm 2017.
Ông Nông Hải Thăng, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam cho biết: Những năm qua, khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam được tỉnh quan tâm đầu tư, vì vậy cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đồng bộ. Hiện nay, các đơn vị chức năng đang triển khai đấu nối đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) tới khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc) với chiều dài tuyến gần 4,8 km; xây dựng hoàn thiện cổng cửa khẩu Tân Thanh. Qua đó, đảm bảo phục vụ cho các hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động XNK hàng hóa.
Tại cửa khẩu chính Chi Ma, trên 43 ha diện tích khu I đã được giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình: đường nội bộ khu vực cửa khẩu Chi Ma; đấu nối đường bộ qua biên giới giữa Chi Ma (Việt Nam) với Ái Điểm (Trung Quốc); nhánh Đông, nhánh Tây đường nội bộ khu cửa khẩu; hệ thống cấp nước, cấp điện cửa khẩu; trạm kiểm soát liên hợp; nhà công vụ cho các lực lượng: biên phòng, hải quan; hệ thống chiếu sáng… Hiện các đơn vị liên quan đang xây dựng đường Bản Giểng (nối từ đường Chi Ma – Tú Mịch sang Co Sa); cải tạo, nâng cấp đường Tú Mịch – Nà Căng; xây dựng nhà kiểm soát liên ngành số 1… Nhìn chung, hạ tầng khu vực cửa khẩu Chi Ma đáp ứng được nhu cầu hoạt động XNK hàng hóa. Thời gian tới, theo thỏa thuận với Trung Quốc, tỉnh sẽ công bố chính thức cửa khẩu Chi Ma là cửa khẩu song phương.
Tại các cửa khẩu phụ khác như: Bình Nghi, Nà Nưa, Na Hình, Pò Nhùng, Co Sâu, Bản Chắt, điểm thông quan Co Sa…, hạ tầng đang được đầu tư. Trong năm 2017, tỉnh đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng một số công trình tại các cửa khẩu phụ như: đường Na Sầm – Na Hình; nhà làm việc liên ngành cửa khẩu Bản Chắt; cổng cửa khẩu Na Hình; bổ sung nhà làm việc các lực lượng thu phí khu vực Na Hình; công trình cấp nước cửa khẩu Nà Nưa; cổng cửa khẩu Nà Nưa… Hiện các đơn vị liên quan đang đẩy nhanh tiến độ dự án nhà công vụ cửa khẩu Bản Chắt; nhà làm việc liên ngành và nhà công vụ cửa khẩu Bình Nghi; nhà làm việc liên ngành và nhà công vụ cửa khẩu Pò Nhùng… Hệ thống đường giao thông ra các cửa khẩu phụ đang được UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng. Cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu phụ đang được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới, XNK hàng hóa của các doanh nghiệp.
Ông Phan Hồng Tiến, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Việc đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, công tác đấu nối giao thông đường bộ và quy hoạch tại các cửa khẩu luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, thu hút doanh nghiệp XNK qua địa bàn. Hiện toàn tỉnh có khoảng 2.700 doanh nghiệp tham gia XNK qua địa bàn, năm 2017, tổng kim ngạch XNK đạt 5.250 triệu USD, tăng 27,1% so với năm 2016. Quý I/2018, tổng kim ngạch XNK đạt 928,3 triệu USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2017.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()