Sức bật trên quê hương cách mạng
– Bám sát thực tiễn và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Sơn khóa XXII (nhiệm kỳ 2020 – 2025), Bắc Sơn đã tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế trong hơn nửa nhiệm kỳ. Đặc biệt, các lĩnh vực trọng tâm như nông nghiệp, du lịch đều tăng trưởng cao. Qua đó, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Bắc Sơn là 9,5%, tăng 0,42% so thời điểm năm 2020.
Du khách tham quan và trải nghiệm ẩm thực tại làng du lịch cộng đồng xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn Ảnh: LA MAI
Đến với mảnh đất Bắc Sơn thời điểm này, chúng tôi không chỉ được nghe những câu chuyện hào hùng về cuộc khởi nghĩa ở “châu xưa” mà còn nghe những câu chuyện về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch…
Tập trung phát triển lĩnh vực thế mạnh
Nằm ở phía tây nam tỉnh Lạng Sơn, Bắc Sơn là huyện có nhiều di tích cách mạng, di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng, cùng với đó là lợi thế về đất đai màu mỡ. Song về tổng thể Bắc Sơn vẫn là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn hạn chế… Vì thế, căn cứ tình hình thực tế và từ những kết quả đạt được từ nhiệm kỳ 2015 – 2020, bước sang nhiệm kỳ 2020 – 2025, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tiếp tục tập trung cho phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ông Hoàng Văn Thủy, Phó trưởng Phòng Phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết: Những năm qua, xác định kinh tế nông – lâm nghiệp là vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của huyện, vì vậy, huyện chú trọng lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, định hướng người dân hình thành các vùng chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Theo đó, UBND huyện Bắc Sơn đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn xây dựng, hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng có thế mạnh như: quýt (hơn 500ha), thuốc lá (1.400ha), lạc đỏ (350ha), lúa nếp cái hoa vàng, quế, hồi và các mô hình chăn nuôi trâu bò, ngựa, gà, hươu, nuôi trồng thủy sản…. Giá trị sản xuất mỗi năm đạt từ 800 – 1.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, huyện Bắc Sơn cũng tập trung triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn huyện hiện có 6 sản phẩm OCOP, trong đó 2 sản phẩm được công nhận 4 sao (gạo nếp cái hoa vàng, quýt vàng Bắc Sơn); 4 sản phẩm được công nhận 3 sao (rượu men lá Suối Mỏ Mắm, bánh chưng đen, lạp sườn khinh sa, dầu lạc Tuấn Hưng Bắc Sơn). Tuy số lượng sản phẩm OCOP của huyện còn khiêm tốn nhưng các sản phẩm OCOP thực sự là sản phẩm đặc trưng và cạnh tranh được trên thị trường, với giá trị trung bình 100 tỷ đồng/năm.
Cùng đó, chương trình xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Bắc sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả. Qua đó, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 9/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 2 xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, huyện Bắc Sơn là 1 trong 3 huyện có bình quân tiêu chí nông thôn mới/xã đạt cao nhất tỉnh, cụ thể, tính đến 15/9/2023 đạt bình quân 14 tiêu chí/xã.
Đồng chí Phạm Bá Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Ý cho biết: Đồng Ý xác định cây quýt và cây bưởi là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã. Vì vậy, xã luôn chú trọng mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Điển hình như cây quýt, hiện người dân trên địa bàn xã không chỉ trồng quýt trong các lân lũng mà còn tập trung phát triển ở các vườn bãi thấp. Hiện toàn xã có khoảng 70 ha quýt, trong đó có khoảng 20 ha quýt được trồng tại các vườn bãi. Ngoài ra, xã đã và đang tập trung nâng chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới đã đạt được, đồng thời tiếp tục huy động nguồn lực để triển khai hoàn thành kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2023.
Song song với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, huyện Bắc Sơn cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khu vực nông thôn. Điển hình là đầu tư phát triển giao thông nông thôn nhằm giúp người dân các xã có điều kiện phát triển kinh tế.
Ông Hoàng Thanh Bình, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện đặt ra trong giai đoạn 2021 – 2025 là phấn đấu cứng hoá thêm 185,2 km đường giao thông nông thôn. Với cách làm dựa vào sức dân và huy động lồng ghép các nguồn lực, nguồn vốn, từ năm 2021 đến hết tháng 8/2023, toàn huyện Bắc Sơn đã cứng hoá được gần 70 km đường giao thông nông thôn. Tính đến nay, toàn huyện đã có 75/80 thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn đã được cứng hóa. Cùng đó, tranh thủ các nguồn vốn khác, UBND huyện Bắc Sơn đã tập trung kéo đường điện hạ thế và xây dựng các công trình nước đảm bảo vệ sinh đến các thôn trên địa bàn huyện. Qua đó, có 99,3% số hộ trên địa bàn huyện được sử dụng điện lưới quốc gia và 99,94% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn Dương Thị Thép cho biết: Huyện chủ trương tập trung phát triển và nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện, đồng thời kết hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp. Với cách làm này, trong gần 3 năm qua, huyện đã đón khoảng 150 nghìn lượt khách, doanh thu đạt gần 80 tỷ đồng. Điều quan trọng nhất là mô hình du lịch nông nghiệp đã và đang mang lại thu nhập tăng thêm cho phần lớn bà con nông dân trên địa bàn huyện.
Với những hướng đi hiệu quả trong xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, xây dựng nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng… đã góp phần thay đổi đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn huyện. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện Bắc Sơn đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, tăng 16 triệu đồng so với thời điểm năm cuối năm 2020.
Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế
Những kết quả đạt được huyện Bắc Sơn trong nửa nhiệm kỷ 2020 – 2025 đã tạo động lực để huyện Bắc Sơn tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành và vượt 9/18 chỉ tiêu, 7/18 chỉ tiêu đạt trên 70%, 1/18 chỉ tiêu đạt trên 50% và 1/18 chỉ tiêu đạt dưới 50%. Trong đó, hầu hết các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực kinh tế đều cơ bản đạt. |
Đồng chí Nguyễn Quang Huy, Bí thư Huyện ủy Bắc Sơn cho biết: Từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện Bắc Sơn sẽ tiếp tục phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng du lịch, kinh tế nông nghiệp, nhất là những thành tựu trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới… để tạo bước đột phá, xây dựng huyện Bắc Sơn phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Theo đó, huyện sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao; mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó ưu tiên hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: khu vực phát triển cây ăn quả có múi, khu vực trồng quế nguyên liệu, khu trồng cây lâm nghiệp lấy gỗ… Đồng thời thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp xây dựng nông thôn mới, tập trung ở các xã khó khăn.
Cùng đó, huyện tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ tại 7 điểm du lịch ở các xã: Hưng Vũ, Vũ Lăng, Bắc Quỳnh, Chiến Thắng, Vũ Lễ. Ngoài ra, huyện phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng tại xã Chiến Thắng, mở rộng và phát triển du lịch cộng đồng tại xã Bắc Quỳnh và Vũ Lăng. Từ đó, phấn đấu đến năm 2025, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền huyện tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp phát triển. Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển, đẩy mạnh và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình…
Được biết, trong những năm tới, Bắc Sơn sẽ tập trung huy động nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là nông nghiệp chất lượng cao, du lịch và dịch vụ. Mục tiêu hướng tới là xây dựng quê hương cách mạng Bắc Sơn ngày càng giàu đẹp, trở thành vùng quê đáng sống của tỉnh Lạng Sơn.
Ý kiến ()