Sức bật một vùng na
LSO-Trong những ngày tháng 9 này, khi mà cả nước và tỉnh ta đang ra sức thi đua sôi nổi, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tiến tới kỷ niệm 182 năm- ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi có dịp “Mục sở thị” vùng na dai của huyện Chi Lăng, mà trọng điểm của vùng na là xã Chi Lăng và một phần của thị trấn Chi Lăng.
Thu mua na tại huyện Chi Lăng – Ảnh: BT |
Anh Lâm Văn Mạnh, cán bộ xã cho biết : cả xã Chi Lăng có hơn 1.000 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Nùng, Tày, Kinh cùng sinh sống ở 14 thôn, bản. Đất tự nhiên của xã có gần 2.500 ha, trong đó đất nông nghiệp là 873 ha. Riêng đất trồng na có tới 360 ha, chiếm gần một nửa diện tích đất nông nghiệp. Cũng với đồng đất này, ngược dòng thời gian 10 năm về trước, với hình thức canh nông truyền thống, người dân trong xã gieo cấy cây ngô, cây lúa cũng chỉ đủ ăn, không có của cải dư dật, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm trên 20%. Diện tích trồng na thời đó mới chỉ có vài chục héc ta, tập trung ở một vài hộ có đất ven núi đá. Thế mà chỉ tính vài năm gần đây, trung bình mỗi năm người dân vùng này đã được thu hoạch gần 2.000 tấn na, ước tính giá trị bán ra đạt gần 25 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Khai cho biết: nhờ có các chính sách hỗ trợ của Đảng, nhà nước về vốn cộng với ý thức tự giác của người dân và đất đai thổ nhưỡng phù hợp nên cả xã có tới 50% số hộ đạt mức thu nhập khá từ na, khoảng 5% đến 6% số hộ giàu và vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 12% theo tiêu chí mới. Xã có hơn 10 hộ dân thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm. Đó là các hộ ông Đặng Ngọc Phương, Nguyễn Danh Nam ở thôn Minh Khai, hộ ông Triệu Văn Long ở thôn Ba Đàn, ông Triệu Văn Bay ở thôn Làng Ngũa, ông Nguyễn Văn Dậu ở thôn Quán Bầu… Chính các hộ này đã tần tảo sớm hôm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến từ khâu trồng na đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho đến khi thu hoạch na. Tiếp xúc với những người bán na, chúng tôi được biết bình quân 1 kg na bán ra từ 20.000đ đến 25.000đ, dân trồng na tự phân loại chất lượng na theo cách gọi mộc mạc, dễ hiểu. Na to, mắt căng tròn óng ánh được gọi là na bòng, những quả nhỏ hơn bằng nắm đấm trẻ con được gọi là na bi, thật là thú vị.
Hoà trong niềm vui chung của người dân vùng na được mùa, anh Hoàng Văn Khai- Chủ tịch UBND xã Chi Lăng không giấu nổi niềm vui phấn khởi, trao đổi thêm với chúng tôi: xã Chi Lăng được mùa na là rất quý rồi, nhưng điều quan trọng hơn là người dân của 14/14 thôn, bản luôn chung sức, chung lòng quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, thực hiện tốt nghị quyết của xã về phát triển kinh tế- xã hội. Mọi thôn, bản đều có hương ước của mình, cốt làm sao giữ gìn được sự đoàn kết, thương yêu nhau. Đặc biệt là giữ gìn được nét đẹp truyền thống và bản sắc văn hoá các dân tộc. Người dân nơi đây không chỉ biết lo làm ăn, phát triển kinh tế mà còn chú tâm xây dựng bản làng văn hoá, thực hiện văn minh trong ứng xử, giao tiếp, giữ gìn vệ sinh môi trường, văn hoá giao thông… Chính vì vậy nhiều năm nay, số hộ của xã đạt tiêu chuẩn văn hoá chiếm 80%, 5 cơ quan trong xã và 14/14 thôn, bản đều đạt tiêu chuẩn văn hoá… Xã Chi Lăng đã được tỉnh và huyện chỉ đạo điểm về xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia.
Để thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã Chi Lăng đã họp bàn và đưa vào Nghị quyết của Đảng uỷ xã, thể chế hoá Nghị quyết của Đảng thành kế hoạch cụ thể của Uỷ ban nhân dân xã và đề án phát triển nông thôn mới. Tính đến tháng 8 năm 2014, xã đã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo quy định của Trung ương. 5 tiêu chí còn lại là y tế, văn hóa, môi trường, trường học và giao thông, xã phấn đấu đến hết tháng 11 năm 2014 sẽ hoàn thành cơ bản, để thực sự trở thành một trong những xã của tỉnh đạt 100% các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trong năm 2014.
LÊ QUANG BÌNH
Ý kiến ()