Thứ 4, 05/02/2025 15:53 [(GMT +7)]
Sức bật của ngành du lịch thế giới
Chủ nhật, 23/01/2011 | 09:16:00 [(GMT +7)] A A
Năm 2010, du lịch của nhiều nước châu Á tăng trưởng khá cao và năng động, trong đó tại châu Á – Thái Bình Dương, du lịch khởi sắc đã trở thành động lực mạnh của du lịch quốc tế, trong khi tốc độ tăng trưởng du lịch châu Mỹ và châu Phi được phục hồi so năm 2009. Tốc độ phục hồi du lịch quốc tế năm vừa qua nhanh hơn nhiều so các dự báo trước đó đã chứng tỏ sức bật lớn của ngành du lịch thế giới.
Đền Vạt Phu – Di sản văn hoá thế giới, một điểm đến hấp dẫn du khách của CHDCND Lào.
Ngành du lịch và lữ hành đã tạo 9% tổng thu nhập nội địa toàn cầu và cung cấp hơn 235 triệu việc làm trong năm 2010, tương đương 8% tổng việc làm toàn cầu. Số khách du lịch năm nay tăng mạnh ở tất cả các khu vực trên thế giới, nhưng những thị trường mới nổi vẫn dẫn đầu với nhịp độ tăng hơn 8% so mức 5% của thị trường các nước phát triển. Châu Á – Thái Bình Dương tăng kỷ lục khi hầu hết các điểm đến du lịch ở khu vực này đều đạt tốc độ tăng hai con số. Nhằm thu hút khách du lịch, Chính phủ Lào đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đối với du lịch, đồng thời tích cực đầu tư để phát triển ngành này. Giá trị đầu tư của các doanh nghiệp khách sạn và nhà hàng không ngừng tăng, đưa ngành du lịch vào danh sách 'top 5' lĩnh vực được đầu tư lớn nhất ở Lào, với tổng giá trị đầu tư khoảng 235 triệu USD kể từ năm 2001 đến năm 2009. Ngoài đầu tư vào xây dựng hạ tầng cơ sở như sân bay, đường sá, tạo thuận lợi cho việc xuất-nhập cảnh của du khách, Chính phủ Lào đã miễn thị thực cho công dân các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và hầu hết các nước ASEAN, đồng thời xem xét miễn thị thực cho các nước châu Âu, tạo thuận lợi cho việc đi lại của du khách đến từ các thành phố, thị trấn biên giới của các nước láng giềng. Thống kê của Bộ Du lịch Cam-pu-chia cho biết, năm 2010 nước này đón hơn hai triệu lượt du khách, tăng mạnh so năm 2009. Lượng du khách tới thăm khu đền Ăng-co Vát lên tới hơn một triệu lượt người. Việt Nam là nước có số du khách sang Cam-pu-chia nhiều nhất, tiếp đến là Trung Quốc, Hàn Quốc, lượng du khách đến từ các nước phương Tây cũng tăng trở lại. Với việc thu hút 23 triệu lượt du khách nước ngoài đến thăm trong năm 2010, Ma-lai-xi-a đứng thứ chín trong bảng xếp hạng những quốc gia thu hút du khách đông nhất thế giới. Ngành 'công nghiệp không khói' của Ma-lai-xi-a đạt được thành tích trên chủ yếu nhờ ba yếu tố là tình đoàn kết của nhân dân, an ninh ổn định và ẩm thực truyền thống được bạn bè quốc tế yêu thích. Nhật Bản coi du lịch là một ngành chủ chốt trong nỗ lực tái thiết nền kinh tế của nước này và dự kiến ban hành luật nhằm phát triển đất nước theo hướng chú trọng du lịch, với hy vọng thu hút được 25 triệu du khách vào năm 2019. Tại châu Mỹ la-tinh, tốc độ du lịch từng bước phục hồi. Doanh thu ngành du lịch của Cu-ba đạt khoảng 1,5 tỷ USD, trong đó du khách Ca-na-đa tiếp tục chiếm đa số với hơn 733.000 du khách, tiếp đến là Anh, I-ta-li-a, Tây Ban Nha và Đức. Số du khách Nga tới Cu-ba tăng đột biến tới 37,4%, với 35.550 du khách. Chính phủ Mỹ dự báo, lượng khách du lịch quốc tế tới nước này sẽ tăng liên tục từ nay tới năm 2014. Dự kiến Mỹ sẽ đón 71,8 triệu lượt du khách trong năm 2014 so với mức gần 60 triệu lượt khách trong năm 2010. Phần lớn lượng khách nước ngoài đến Mỹ là từ các nước Ca-na-đa, Mê-hi-cô và Tây Âu; khách đến từ thị trường Nam Mỹ và châu Á dự kiến tăng lần lượt khoảng 11% và 9%. Tại châu Âu, tốc độ tăng trưởng du lịch chững lại, có nơi thậm chí bị đạt tăng trưởng âm. Trước thực trạng ngành du lịch bị tụt dốc trong những năm qua, Chính phủ Anh cam kết xây dựng một 'chiến lược phát triển du lịch mạnh nhất có thể' nhằm đưa nước này vào tốp năm điểm du lịch được ưa thích nhất của thế giới. Trước mắt, Anh coi sự kiện Ô-lim-pích 2012 mà nước này đăng cai là một cơ hội quý khôi phục uy tín của ngành du lịch.
Vài năm gần đây, ngành du lịch quốc tế chịu tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trên thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo ngành này sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong thập kỷ tới, tạo khoảng 300 triệu việc làm vào năm 2019. Nhìn tổng thể, trong năm 2010, ngành du lịch và lữ hành quốc tế phục hồi nhanh hơn và mạnh hơn nhiều so các ngành kinh tế khác, đưa 'ngành công nghiệp không khói' trở thành ngành lớn nhất và năng động nhất của nền kinh tế toàn cầu, là một đòn bẩy đắc lực giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi và phát triển. Các chuyên gia LHQ khuyến nghị, các quốc gia cần đặt du lịch ở vị thế cao hơn trong chương trình nghị sự phát triển để đạt mục tiêu chung là phục hồi kinh tế bền vững, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()