Sửa Luật Giao thông đường thủy nội địa phù hợp thực tế
Chiều ngày 12-11, Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều, tương đương 35% Luật hiện hành.
– Chiều ngày 12-11, Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều, tương đương 35% Luật hiện hành.
Giao thông đường thủy: Mới quản gần một nửa
Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng cho biết, cả nước hiện có hơn 80 nghìn km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42 nghìn km có hoạt động giao thông vận tải. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước mới quản lý hơn 19 nghìn km, chiếm tỷ lệ 45% hoạt động giao thông đường thủy, do khó khăn về kinh phí, đặc biệt là các địa phương. Trong khi đó, trên các sông, kênh chưa được tổ chức quản lý, hoạt động giao thông đường thủy nội địa của nhân dân vẫn diễn ra, không chịu sự điều chỉnh của Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ) năm 2004.
Vì vậy, khi có tai nạn liên quan đến phương tiện thủy nội địa xảy ra ở ngoài phạm vi luồng và trên các sông, kênh, rạch chưa được tổ chức, các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc xử lý, giải quyết vụ việc do khu vực này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐTNĐ năm 2004.
Theo Bộ trưởng Thăng, sau tám năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành, Luật GTĐTNĐ năm 2004 đã bộc lộ những hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn đời sống. Thí dụ như, như quy định về nồng độ cồn có trong máu hoặc hơi thở khi điều khiển phương tiện, quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện; quy định về nhập khẩu phương tiện… Một số quy định không rõ, còn chung chung như quy định về cảng, bến thủy nội địa tại Điều 13; quy định về hoạt động vận tải đường thủy nội địa tại Điều 77…
Bên cạnh đó, một số quy định của Luật cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất với Luật Giáo dục, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Thủy sản.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung thực hiện theo nguyên tắc kế thừa Luật GTĐTNĐ năm 2004; chỉ sửa đổi những quy định không còn phù hợp hoặc không rõ ràng; bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh trong Luật trong khi nhu cầu quản lý cần phải quy định trong Luật; bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của ngành, đồng thời bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam.
Trong tổng số 103 điều của Luật GTĐTNĐ năm 2004, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung 36 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 33 điều ở các chương I, II, III, IV, VII, VIII và bổ sung một chương (chương VIIa) với ba điều, chiếm 35% tổng số điều của Luật GTĐTNĐ năm 2004.
Điều chỉnh những quy định chưa phù hợp thực tế
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (Ủy ban KH, CN và MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng (ảnh), sửa đổi, bổ sung Luật GTĐTNĐ là cần thiết nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường thủy (GTĐT) theo hướng ngày càng hiện đại, đáp ứng các điều kiện mới của quá trình phát triển kinh tế – xã hội nói chung, xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo đảm an toàn GTĐT nói riêng.
Ủy ban KH, CN và MT đề nghị ban soạn thảo rà soát kỹ hơn phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, nhận diện đầy đủ hơn những hạn chế, bất cập, nguyên nhân của tình trạng trên. Trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan về quy hoạch và quản lý kết cấu hạ tầng, các quy định về “đường thủy nội địa”, “hành lang bảo vệ luồng”, đăng ký, đăng kiểm phương tiện GTĐTNĐ, điều kiện tham gia hoạt động ĐTNĐ, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn GTĐTNĐ, phạm vi trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước về hoạt động GTĐTNĐ.
Ngoài ra, yêu cầu của Nghị quyết 13 cần được thể hiện đậm nét hơn trong Dự thảo Luật, đặc biệt là về quy hoạch xây dựng và quản lý hạ tầng ĐTNĐ, về quản lý phương tiện vận tải ĐTNĐ, tăng cường đầu tư đúng mức cho loại hình GTĐT; có biện pháp cân đối, phân luồng vận tải nói chung để tăng tỷ trọng vận tải của loại hình này.
Dự thảo Luật còn nhiều điều, khoản giao cho Chính phủ, Bộ quy định. Một số quy định còn chung chung, dễ dẫn đến khó thực hiện hoặc hướng dẫn thực hiện tùy tiện. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các quy định nêu trên theo hướng hạn chế tối đa việc giao lại cho Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn chi tiết thi hành; bảo đảm rõ ràng, minh bạch, tạo cách hiểu thống nhất để thuận lợi trong triển khai thực hiện. Đối với những điều, khoản giao Chính phủ hướng dẫn, đề nghị có dự thảo nghị định kèm theo.
Ủy ban KH, CN và MT đánh giá, sau tám năm thực hiện, loại phương tiện cần đăng ký chỉ đạt 34%, số phương tiện phải đăng kiểm chỉ đạt 61% là rất thấp. Trong các nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện trên, có thể có nguyên nhân do quy định về đăng ký, đăng kiểm tại Điều 24 chưa phù hợp thực tế cuộc sống, đặc biệt với dân cư ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi phương tiện thủy khá phổ biến.
Cơ quan này nhất trí bổ sung quy định về cứu nạn vào dự thảo Luật. Thời gian gần đây, nhiều bất cập trong công tác cứu nạn, đã bộc lộ, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan cứu nạn, công an, quốc phòng. Cũng cần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia GTĐTNĐ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là trong vận chuyển hành khách.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()