Sửa Luật Giám định tư pháp theo yêu cầu thực tiễn
Chiều 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Phiên họp do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận. |
Tại phiên họp, UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Trong thảo luận, UBTVQH đánh giá cao việc Chính phủ khẩn trương chuẩn bị dự án luật một cách nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương. Đây là dự án mới được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 theo yêu cầu của thực tiễn phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng và nhóm tội phạm về kinh tế. UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiến hành tổng kết đầy đủ hơn, chỉ rõ những bất cập, vướng mắc, hạn chế như chỗ nào là do khâu tổ chức thực hiện, chỗ nào là do quy định của luật hiện hành chưa hợp lý hoặc còn thiếu, từ đó xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung luật một cách thuyết phục.
Theo đề nghị của Chính phủ, cần có quy định phân tuyến giám định tư pháp để giảm tải cho các cơ quan ở Trung ương. Tuy nhiên, một số ý kiến phát biểu tại phiên họp cho rằng quy định hiện hành không có sự phân tuyến mà tùy theo yêu cầu của cơ quan có yêu cầu giám định. Trên cơ sở đó, UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá, tổng kết thật kỹ, đồng thời thống kê số liệu cụ thể để làm rõ các cơ quan ở Trung ương có thực sự bị quá tải không và có thực sự cần thiết phải quy định phân tuyến giám định tư pháp hay không.
Về thời hạn giám định, các ý kiến phát biểu cơ bản đều thống nhất cần được quy định rõ để bảo đảm tính nghiêm túc, trách nhiệm của cơ quan tiến hành giám định, trên tinh thần không vượt quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. |
Về đề nghị bổ sung trách nhiệm giám định tư pháp của Kiểm toán Nhà nước khi được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng yêu cầu, có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ quy định này vì Kiểm toán Nhà nước không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Hơn nữa, các lĩnh vực có thể trưng cầu giám định ở Kiểm toán Nhà nước đều trùng với các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành hữu quan và các bộ, ngành này đều có trách nhiệm tiến hành giám định tư pháp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Vì vậy, bổ sung trách nhiệm giám định tư pháp của Kiểm toán Nhà nước sẽ dẫn tới sự chồng chéo.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng bổ sung quy định này không làm nảy sinh mâu thuẫn, vướng mắc hay chồng chéo. Thực tế, cơ quan trưng cầu giám định tư pháp có thể mời bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có trình độ chuyên môn và nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực cần giám định tham gia giám định tư pháp, trong khi ở Kiểm toán Nhà nước có rất nhiều chuyên gia giỏi về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đất đai, tài nguyên… Giám định tư pháp không phải là hoạt động quản lý nhà nước nên không lo có sự chồng chéo giữa các cơ quan. Do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo lại Chính phủ, xin ý kiến các cơ quan hữu quan về vấn đề này.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến đề xuất thành lập một tổ chức giám định thuộc Viện KSND Tối cao, vấn đề kinh phí giám định tư pháp…
Ý kiến ()