Sửa đổi Luật Sỹ quan phải bảo đảm chất lượng, vị thế của sỹ quan Quân đội
Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm giữ được chất lượng, vị thế, uy tín của sỹ quan Quân đội; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với điều kiện thực tế.
ZaloFacebookTwitterBản inCopy link
Chiều 21/6, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Ban Soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Soạn thảo chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương: Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng ban Thường trực Ban Soạn thảo; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Ban soạn thảo.
Sau khi có kết luận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại Hội nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng cho ý kiến vào nội dung tổng kết Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 3/6/2024, Vụ Pháp chế và Cục Cán bộ đã chủ động phối hợp trình thủ trưởng Bộ Quốc phòng thông qua báo cáo tổng kết thực hiện Luật Sỹ quan; quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Ban Soạn thảo, Tổ biên tập; kế hoạch soạn thảo dự án Luật Sỹ quan.
Vụ tiến hành rà soát toàn bộ nội dung Luật Sỹ quan hiện hành, dự kiến đề xuất sửa đổi một số điều của Luật Sỹ quan, dự thảo kế hoạch phân công nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; gửi xin ý kiến và tổng hợp, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành liên quan; hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án luật, báo cáo thủ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định.
Qua tổng kết Luật Sỹ quan và kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, đơn vị, dự kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung 10 điều của Luật, gồm: Chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sỹ quan (Điều 11); tuổi phục vụ tại ngũ của sỹ quan (Điều 13); cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sỹ quan (Điều 15); rút ngắn thời hạn xét thăng quân hàm cấp úy (Điều 17); bổ sung quy định về nâng lương trước thời hạn (Điều 18); tiền lương, phụ cấp, nhà ở, đất ở và điều kiện làm việc đối với sỹ quan tại ngũ (Điều 31); tuổi phục vụ của sỹ quan dự bị (Điều 38); bổ nhiệm chức vụ, phong, thăng quân hàm sỹ quan dự bị (Điều 41); trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện luật (Điều 46, Điều 47).
Cơ quan soạn thảo dự kiến sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới 13 văn bản (5 nghị định, 8 thông tư) để phù hợp với việc sửa đổi các điều của Luật Sỹ quan.
Chỉ đạo tại hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh về quan điểm, nguyên tắc sửa đổi, bổ sung Luật Sỹ quan cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam để xây dựng dự thảo Luật trên cơ sở kế thừa những nội dung còn hợp lý, phù hợp; chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung đang vướng mắc, bất cập.
Việc sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm giữ được chất lượng, vị thế, uy tín của sỹ quan Quân đội; cân đối giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; đồng thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và phù hợp với điều kiện thực tế công tác cán bộ trong Quân đội.
Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu cơ quan thường trực Ban Soạn thảo tiếp thu đầy đủ, triệt để các ý kiến phát biểu tại hội nghị và các ý kiến tham gia bằng văn bản của các thành viên Ban Soạn thảo; nghiên cứu, chỉnh lý, điều chỉnh chương trình, kế hoạch soạn thảo luật bảo đảm việc xây dựng dự án Luật Sỹ quan chất lượng, hoàn thành từng nội dung công việc theo kế hoạch./.
Ý kiến ()