Sửa đổi Luật quản lý thuế
Bộ Tài chính đang dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) nhằm đổi mới các nội dung và điều luật theo hướng gia tăng các quy định cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế.
Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính cho biết, Luật quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 và được sửa đổi, bỏ sung 3 lần tại: Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 và Luật số 106/2016/QH13 ngày 6/4/2016. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật quản lý thuế đã đạt được những kết quả quan trọng.
Cụ thể, Luật quản lý thuế đã tạo khung pháp lý cơ bản, thống nhất chính sách quản lý thu thuế, đồng bộ với các luật thuế và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho công tác quản lý thuế thay đổi phương thức quản lý theo cơ chế người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế theo pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật quản lý thuế cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đáng chú ý trong số đó là: Quy định về chính sách quản lý thuế chưa thay đổi kịp với sự thay đổi của chính sách tại từng sắc thuế. Quy định về việc xây dựng, ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thuế đã được ban hành nhưng chưa theo kịp với thực tiễn phát triển của giao dịch thương mại toàn cầu…
Sự cần thiết ban hành Luật quản lý thuế (sửa đổi)
Theo Bộ Tài chính, việc nghiên cứu sửa đổi Luật quản lý thuế xuất phát từ những lý do sau: Một là, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Theo đó, để góp phần chặn đứng đà giảm sút của quy mô thu ngân sách so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu.
Hai là, từ yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới hoạt động quản lý thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế.
Ba là, Luật quản lý thuế hiện hành, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần, tạo tiền đề áp dụng quản lý thuế điện tử song chưa đảm bảo được cơ sở pháp lý cho việc chuyển hẳn sang áp dụng rộng rãi phổ biến. Trước sự phát triển nhanh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, hoạt động mua bán bằng phương thức điện tử phát triển với tốc độ ngày càng nhanh, việc khai thuế, đăng ký nộp thuế điện tử của doanh nghiệp đã được áp dụng phổ biến. 100% doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đều đã thực hiện các thủ tục hải quan điện tử. Hạ tầng công nghệ thông tin của cơ quan thuế đã đảm bảo kết nối từ Tổng cục (cấp trung ương) tới 63 cục thuế và 100% các chi cục thuế trên cả nước. Do đó, cần thiết sửa đổi Luật quản lý thuế hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến quản lý thuế điện tử phục vụ có hiệu quả sự phát triển của hoạt động kinh tế.
Bộ Tài chính cũng cho biết, mục đích của việc xây dựng dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi) là nhằm xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, công tác quản lý thuế thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện trên cở sở các nền tảng cơ bản: Thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()