Sửa đổi lối làm việc, tránh gây phiền hà nhân dân
Sửa đổi lối làm việc, tránh gây phiền hà cho nhân dân là điều những cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Thuận luôn tâm nguyện. Ðó cũng là một trong những nội dung mà các cấp ủy quan tâm xem xét để đánh giá cán bộ; là chương trình hành động của mỗi đảng viên trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, nhất là những điều Người căn dặn trong Di chúc trước lúc đi xa.
Công chức trễ hẹn, chính quyền xin lỗi
Gia đình ông Võ Quốc Vinh ở thôn 2A, xã Ðông Hà, huyện Ðức Linh (Bình Thuận) bất ngờ khi thấy cán bộ xã tới nhà trực tiếp xin lỗi và trao thư xin lỗi của Chủ tịch UBND xã vì không thực hiện đúng hẹn trả kết quả hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình. “Tôi thật sự ngạc nhiên và xúc động vì chính quyền đã quan tâm và tôn trọng người dân. Tôi tin rằng từ việc xin lỗi này, cán bộ chính quyền sẽ có biện pháp khắc phục để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn” – ông Vinh chia sẻ.
Ðề án “Công chức trễ hẹn, chính quyền xin lỗi dân” được UBND xã Ðông Hà thực hiện từ tháng 6-2013. Theo Chủ tịch UBND xã Ðông Hà Nguyễn Hữu Cải, việc ban hành Ðề án này nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức xã; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, cán bộ xã Ðông Hà tâm sự: “Khi giải quyết hồ sơ không đúng hẹn, công chức xã ai cũng lo vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Qua đó mình phải nâng cao trách nhiệm, cùng người dân giải quyết công việc sớm nhất”.
Sau một năm rưỡi thực hiện đến nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (một cửa) ở xã Ðông Hà đã tiếp nhận 3.523 hồ sơ, giải quyết đúng hẹn 3.504 hồ sơ. Chỉ còn 19 hồ sơ trễ hẹn, chiếm 0,5% (so với cùng khoảng thời gian trước khi triển khai Ðề án, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn là 2%). Tất cả những hồ sơ trễ hẹn đều được Chủ tịch UBND xã gửi thư xin lỗi và đôn đốc cán bộ sớm thực hiện.
Ðể tạo thuận lợi cho dân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận Huỳnh Quang Huy cho biết, năm 2011, Chi cục Thủy sản đã đề xuất thực hiện mô hình một cửa “lưu động”, cán bộ trực tiếp xuống địa bàn cơ sở nhận và trả kết quả hồ sơ cho người dân, tiết kiệm thời gian đi lại và chi phí phát sinh cho bà con ngư dân. Năm 2014, bộ phận một cửa của Chi cục tiếp nhận và trả kết quả gần 9.000 hồ sơ, trong đó hơn 3.100 hồ sơ nhận tại địa bàn cơ sở theo mô hình một cửa “lưu động”, tiết kiệm được cho nhân dân gần một tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tấn Tài, thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, chủ tàu cá công suất 420 CV đánh bắt ở vùng biển Trường Sa bộc bạch, hoạt động của bộ phận một cửa “lưu động” giúp chủ tàu không phải đi lại, giao nhận hồ sơ tại trụ sở ở TP Phan Thiết, cho nên gia đình ông tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Ðồng bộ trong toàn hệ thống
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn đi qua Bình Thuận dài gần 170 km. Số hộ dân phải di dời nhà cửa, tái định cư nhiều nhất trên toàn tuyến với gần 7.700 hộ. Trước những khó khăn, thách thức cả về thời gian và khối lượng công việc, tỉnh Bình Thuận đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần “vướng chỗ nào phải tháo gỡ kịp thời chỗ đó”. Mọi công việc chưa cấp bách “tạm xếp lại”, dồn sức cho nhiệm vụ trọng tâm này. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương phân công nhau trực tiếp tới các địa bàn, vào tận một số hộ dân để thăm hỏi, động viên, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của người dân. Với tinh thần làm việc hết sức khẩn trương, quyết liệt, trong thời gian ngắn, Bình Thuận là một trong số ít các tỉnh đầu tiên “về đích” đúng thời hạn, hoàn thành 100% kế hoạch theo yêu cầu của dự án và được Chính phủ biểu dương khen thưởng.
Từ khi triển khai Quyết định số 93 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính nhà nước, đến nay Bình Thuận có tất cả các sở, ban, ngành; bốn cơ quan ngành dọc; hai doanh nghiệp nhà nước; tất cả 10 huyện, thị xã, thành phố và 127 xã, phường, thị trấn đang thực hiện cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”. Hầu hết các thủ tục hành chính liên quan người dân, doanh nghiệp được đưa vào thực hiện theo cơ chế một cửa tại đơn vị. Qua thực hiện cho thấy, hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân được các cơ quan hành chính các cấp giải quyết bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy trình, thủ tục; rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà, đi lại nhiều nơi, nhiều lần cho người dân; hạn chế các biểu hiện tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thanh Nam, số hồ sơ giải quyết chậm chủ yếu thuộc các lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở… bởi đây là các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm. Tỉnh Bình Thuận hiện đang tập trung rút ngắn thời gian giải quyết nhằm tháo gỡ những khó khăn, phiền hà cho người dân và tổ chức doanh nghiệp.
Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến sửa đổi lề lối làm việc, hạn chế và giảm dần tình trạng gây bức xúc, phiền hà cho tổ chức, cá nhân khi liên hệ với các cơ quan nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính như: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; nâng cao trách nhiệm, chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức… Chủ trương này nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao của cán bộ và nhân dân trong tỉnh; giúp cán bộ, công chức, viên chức phát huy tinh thần trách nhiệm hơn nữa trong thực thi công việc được giao đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()