Sửa đổi Hiến pháp theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ngày 7/12, tại Hà Nội, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (Văn phòng Quốc hội) phối hợp với tạp chí Pháp luật và Phát triển (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Sửa đổi Hiến pháp theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.Tham dự Hội thảo có nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, Nguyễn Đức Kiên; nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cùng đại diện nhiều Ban, ngành, tổ chức xã hội khác.Trình bày báo cáo đề dẫn, TS Phạm Hùng, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp nêu rõ: Theo quan niệm phổ biến được khoa học pháp lý thừa nhận Hiến pháp là văn kiện chính trị-pháp lý phản ánh bản chất giai cấp của nhà nước nhưng đồng thời cũng cần phải ghi nhận và bảo vệ những lợi ích tương hợp của các tầng lớp xã hội, lợi ích chung của nhân dân, dân tộc. Vì vậy, làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp...
Ngày 7/12, tại Hà Nội, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (Văn phòng Quốc hội) phối hợp với tạp chí Pháp luật và Phát triển (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Sửa đổi Hiến pháp theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, Nguyễn Đức Kiên; nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cùng đại diện nhiều Ban, ngành, tổ chức xã hội khác.
Trình bày báo cáo đề dẫn, TS Phạm Hùng, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp nêu rõ: Theo quan niệm phổ biến được khoa học pháp lý thừa nhận Hiến pháp là văn kiện chính trị-pháp lý phản ánh bản chất giai cấp của nhà nước nhưng đồng thời cũng cần phải ghi nhận và bảo vệ những lợi ích tương hợp của các tầng lớp xã hội, lợi ích chung của nhân dân, dân tộc. Vì vậy, làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp là công việc trọng đại của quốc gia vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì hạnh phúc của thế hệ hôm nay và mai sau.
Với hơn 30 tham luận, các chuyên gia, các nhà khoa học đã bàn luận về 3 chủ đề chính: Hiến pháp và vấn đề tổ chức quyền lực; Hiến pháp và vấn đề quyền con người, quyền công dân; vai trò lãnh đạo của Đảng và cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Lê Văn Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật (Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Dân chủ là bản chất của Hiến pháp, nhưng Hiến pháp hiện nay chỉ chủ yếu quy định vị trí của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, với những quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể, những quy định về tính đại diện mờ nhạt trong khi tính đại diện lại là thuộc tính quy định tính quyền lực của Quốc hội. Do đó, cần bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện chế độ dân chủ đại diện, mà trước hết là các quy định làm sâu sắc và thực chất hơn tính đại diện của Quốc hội, phù hợp với vị trí Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Đồng thời, bổ sung các quy định nhằm nâng cao trách nhiệm trước nhân dân của Quốc hội trong việc thực hiện quyền lực mà nhân dân ủy nhiệm cho Quốc hội, trong đó có trách nhiệm lập pháp, bảo đảm tính khả thi của luật, bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân và phòng chống tham nhũng. Mặt khác, hoàn thiện các quy định bảo đảm quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội và các quy định về quyền của nhân dân đối với nhà nước, bảo đảm cho nhân dân thực sự là chủ và làm chủ được nhà nước.
Phân tích thực nghiệm về mức độ chi tiết hóa Hiến pháp, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Mở rộng phạm vi và mức độ chi tiết của Hiến pháp là quy luật chung của sự phát triển Hiến pháp trên thế giới. Trong lịch sử Hiến pháp ở Việt Nam, khuynh hướng chung cũng là phạm vi và mức độ chi tiết hóa của Hiến pháp ngày càng được mở rộng. Việc sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam trong tương lai cần tiếp tục khuynh hướng này. Bởi trong khi Việt Nam chưa có một truyền thống giải thích Hiến pháp chuyên nghiệp thì điều đòi hỏi là Hiến pháp cần phải đưa ra những chỉ dẫn và diễn đạt một cách cụ thể thay vì gồm những nguyên tắc trừu tượng.
Về cơ chế bảo vệ Hiến pháp, mô hình thành lập Tòa án Hiến pháp độc lập được nhiều nhà khoa học ủng hộ trên cơ sở cho rằng văn hóa chính trị truyền thống của Việt nam không những không cản trở việc thiết lập một Tòa án Hiến pháp mà còn có những tiền đề cần thiết hỗ trợ cho việc hình thành một cơ quan như vậy. “Việc thành lập một Tòa án Hiến pháp trong tương lai sẽ là bước tiến vượt bậc của Việt Nam trên phương diện phát triển chủ nghĩa hợp hiến” – chuyên gia Bùi Ngọc Sơn (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh.
Ở những góc độ tiếp cận khác nhau, c ác đại biểu đều khẳng định việc quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là một đảm bảo cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân.
TS Vũ Văn Nhiêm (Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Cần minh định hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, mà một trong những phương thức để thực hiện điều này là thông qua đổi mới chế độ bầu cử. Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, đổi mới chế độ bầu cử là nền tảng quan trọng khó có thể thiếu trong việc đổi mới sâu rộng.
Song, TS Đặng Minh Tuấn (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng lưu ý: Vấn đề đổi mới sự lãnh đạo của Đảng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, cần phải sự phân biệt rành mạch giữa “lãnh đạo của Đảng” và “quản lý của Nhà nước”. Đổi mới về quan hệ mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước là nhiệm vụ cơ bản của công cuộc Đổi mới…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()