Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cần thiết và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân
Ngày 27-5, kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ bảy. Các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ngày 27-5, kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ bảy. Các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hầu hết ý kiến phát biểu tán thành với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, phù hợp với yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ðồng thời cho rằng, Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước, đến nay sau gần 30 năm đổi mới đất nước ta đã có nhiều thay đổi, trong bối cảnh quốc tế đang có những biến đổi to lớn, phức tạp và sâu sắc. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, khắc phục những hạn chế, bất cập của Hiến pháp hiện hành.
Thảo luận về các nội dung cụ thể, các đại biểu tập trung góp ý về các quy định liên quan đến tên nước, vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Nhiều đại biểu cho rằng, cần giữ nguyên tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Theo các đại biểu Ðỗ Bá Tỵ (Ðiện Biên), Dương Văn Thống (Yên Bái) Phạm Ðức Châu (Quảng Trị), tên nước là Cộng hòa XHCN Việt Nam ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7-1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, nên giữ nguyên tên nước như hiện nay để bảo đảm tính ổn định, tránh việc có thể bị xuyên tạc đang xa rời mục tiêu, con đường lên Chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.
Thảo luận về vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, phần lớn ý kiến phát biểu tán thành với những quy định được ghi tại Ðiều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái), Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, việc tiếp tục hiến định vai trò lãnh đạo của Ðảng là cần thiết bởi vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền, xây dựng và phát triển của đất nước đều đã được khẳng định cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Ðảng Cộng sản Việt Nam là Ðảng chính trị duy nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội. Ðảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập với hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành đã có công lao to lớn trong việc lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đem lại hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo càng khẳng định vai trò của Ðảng. Việc nhân dân ta tin tưởng vào Ðảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định sự lãnh đạo của Ðảng trong Hiến pháp là một việc làm đúng đắn và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, thể hiện ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình. Quy định về Ðảng trong Hiến pháp nhằm khẳng định tính chính đáng của Ðảng trong việc lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội. Do vậy, những quy định về Ðảng như trong Dự thảo là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân.
Thảo luận về các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đa số ý kiến phát biểu tán thành, đánh giá cao việc ghi nhận các quyền con người trong Dự thảo, đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Ðồng thời, Dự thảo cũng bổ sung một số quyền mới. Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), cần có quy định cụ thể hơn nữa về các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân ngay trong Hiến pháp, góp phần tạo thuận lợi và bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Liên quan đến các quy định về các thành phần kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, quy định như trong Dự thảo là phù hợp và đã kế thừa các quy định hiện hành trong Hiến pháp năm 1992. Những quy định đã khẳng định được bản chất và thể hiện được động lực và mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cùng với đó, bảo đảm sự hài hòa và cân bằng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, tức là thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Về quy định liên quan đến sở hữu đất đai, nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên cách dùng khái niệm “sở hữu toàn dân” và không quy định đa sở hữu về đất đai. Ðại biểu Phạm Quang Khải (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, Dự thảo luật quy định, “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế – xã hội” là hợp lý. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể, rõ ràng cơ chế bồi thường trong quá trình thu hồi đất và phải được công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật.
Cùng với những nội dung nêu trên, các đại biểu cũng góp ý kiến liên quan đến các quy định về Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương và các quy định khác. Nhìn chung, các ý kiến góp ý cơ bản tán thành với những quy định trong Dự thảo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()