Sửa đổi, bổ sung quy trình ra đề thi THPT quốc gia
Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Ngày hội tuyển sinh 2019
Theo đó, công tác soạn thảo đề thi, thẩm định, tinh chỉnh được quy định: Căn cứ yêu cầu của đề thi, mỗi tổ ra đề thi có trách nhiệm soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi (chính thức và dự bị) cho một bài thi/môn thi.
Riêng đối với đề thi trắc nghiệm, Ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hoá được xây dựng theo quy định của Bộ GD-ĐT là nguồn tham khảo quan trọng để soạn đề thi theo quy trình như sau: Chủ tịch Hội đồng ra đề giao cho một thư ký vòng trong của Hội đồng dùng phần mềm chuyên dụng rút ngẫu nhiên các câu hỏi thi trắc nghiệm từ Ngân hàng câu hỏi thi và chuyển cho các Trưởng môn đề thi; Trưởng môn đề thi của từng môn thi phân công các thành viên trong Tổ ra đề thi thẩm định từng câu hỏi thi trắc nghiệm; Tổ ra đề thi làm việc chung, lần lượt tinh chỉnh từng câu trắc nghiệm và tổ hợp thành đề thi theo đúng yêu cầu về nội dung đề thi được quy định. Sau khi tinh chỉnh lần cuối, Trưởng môn đề thi ký tên vào các đề thi và bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng ra đề thi; Cán bộ Hội đồng ra đề thi thực hiện khâu trộn đề thi thành nhiều phiên bản khác nhau; Tổ ra đề thi rà soát từng phiên bản của đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi và ký tên vào từng phiên bản của đề thi.
Quy định về phản biện đề thi: Sau khi soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh các đề thi được tổ chức phản biện độc lập. Các cán bộ phản biện đề thi có trách nhiệm đọc, giải đề và đánh giá đề thi theo các yêu cầu được quy định; đề xuất phương án chỉnh lý, sửa chữa đề thi nếu thấy cần thiết. Ý kiến đánh giá của các cán bộ phản biện đề thi là một căn cứ để Chủ tịch Hội đồng ra đề thi tham khảo trong quyết định duyệt đề thi.
Ý kiến ()