Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, ngày 27/6/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, ngày 27/6/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 và thay thế Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 8/9/2008 của Chính phủ.
Theo Nghị định này, thu nhập chịu thuế của cá nhân bao gồm: Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; Thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng bằng tiền hoặc hiện vật; tiền hoa hồng môi giới, tiền tham gia đề tài, dự án, tiền nhuận bút; thu nhập từ bản quyền; từ nhượng quyền thương mại theo quy định của Luật Thương mại; từ thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế; từ quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế.
Thu nhập được miễn thuế bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha, mẹ với con đẻ, con dâu, con rể; ông bà với cháu nội, ngoại; anh chị em ruột với nhau; thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam; thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất không phải trả tiền hoặc được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản từ cha, mẹ, vợ, chồng, con, ông bà nội ngoại, anh chị em ruột với nhau; thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác; thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất; thu nhập từ lãi gửi ngân hàng, từ kiều hối; tiền công, tiền lương làm việc thêm giờ; tiền lương hưu; học bổng; tiền bồi thường bảo hiểm; tiền từ thiện; tiền từ nguồn viện trợ nước ngoài với mục đích từ thiện, nhân đạo.
Người chịu thuế được giảm thuế trong trường hợp gặp khó khăn, thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo… và được xét giảm thuế tương ứng với mức thiệt hại, nhưng không vượt quá số tiền thuế phải đóng.
Nghị định cũng đưa ra các căn cứ tính thuế đối với tất cả các đối tượng chịu thuế.
Về mức giảm trừ gia cảnh, Nghị định nêu rõ, mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/người/tháng. Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì thực hiện theo mức do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Đối tượng và căn cứ xác định người phụ thuộc là: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con riêng của vợ hoặc chồng dưới 18 tuổi, trên 18 tuổi nhưng bị khuyết tật không có khả năng lao động, hoặc đang học đại học, cao đẳng, THCN, dạy nghề mà không có thu nhập hoặc thu nhập không vượt quá mức 1 triệu đồng/tháng; vợ hoặc chồng, cha mẹ đẻ, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ nuôi hợp pháp, cha mẹ vợ, chồng bị khuyết tật không có thu nhập hoặc có thu nhập không quá 1 triệu đồng/tháng; cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Theo CPV
Ý kiến ()