Sửa đổi, bổ sung một số chính sách về thuế, phí và lệ phí tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân
Ngày 20/10, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề thông tin các nội dung cơ bản về 2 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; dự án Luật Phí và lệ phí.
Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: H.T) |
Đã bãi bỏ 86 khoản phí, lệ phí
Tại buổi họp báo Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho biết, pháp lệnh hiện hành quy định các khoản lệ phí, phí gắn với dịch vụ công do cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cung cấp. Mức thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí do Nhà nước quy định. Điều này chưa khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công. Để đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ công, Chương 1 dự thảo Luật quy định rõ về phạm vi, đối tượng áp dụng, danh mục các khoản lệ phí và phí gắn với dịch vụ công do Nhà nước cung cấp. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật được quy định gồm: Danh mục phí, lệ phí; người nộp phí, lệ phí; tổ chức thu phí, lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu; miễn, giảm, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức trong quản lý phí, lệ phí.
Về Danh mục và thẩm quyền quyết định phí và lệ phí: Để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch của Luật, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, Danh mục phí và lệ phí được chi tiết ngay tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định cụ thể, theo dòng phí và lệ phí (nếu có) để thực hiện thống nhất các khoản phí, lệ phí trong Danh mục và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.
Ông Thi cho biết thêm, qua rà soát cho đến nay, danh mục chi tiết phí, lệ phí dự kiến ban hành kèm theo Luật, gồm: 318 khoản phí, lệ phí (209 khoản phí và 109 khoản lệ phí). Trong đó, quy định cụ thể thẩm quyền của các cơ quan đối với từng khoản phí, lệ phí: Chính phủ, Bộ Tài chính và hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
So với danh mục kèm Nghị định số 24/2006/NĐ-CP đã bãi bỏ 86 khoản phí, lệ phí (26 khoản phí và 60 khoản lệ phí); Chuyển sang giá 43 khoản phí (trong đó, có 30 khoản nhà nước quản lý giá, 13 khoản theo giá thị trường).
Sửa đổi bổ sung một số chính sách thuế cho phù hợp với thực tế
Theo ông Phạm Đình Thi, những năm qua, do tác động bất lợi của kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nền kinh tế vĩ mô đã ổn định. Để tiếp tục phục hồi đà tăng trưởng trong thời gian tới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế, Chính phủ thấy rằng cần phải sửa đổi, bổ sung một số chính sách về thuế phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Đáng chú ý, trao đổi với báo chí về về Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật quản lý thuế” ông Phạm Đình Thi cho biết, các loại ôtô có dung tích xilanh dưới 2.000cm3 sẽ có mức thuế tiêu thụ đặc biệt giảm.
Cụ thể, với dòng xe dung tích xilanh từ 1.000cm3 trở xuống, cơ quan chức năng đề xuất từ 1/7/2016 sẽ áp thuế tiêu thụ đặc biệt là 40%, giảm 5% so với hiện hành. Từ năm 2018 và năm 2019, mức thuế sẽ lần lượt giảm về mức 30% và 20%.
Với dòng xe có dung tích xilanh trên 1.000cm3 đến 1.500cm3 và loại trên 1.500cm3 tới 2.000cm3 mức giảm tương tự cũng được áp dụng. Tới năm 2019, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với các dòng xe này sẽ còn lần lượt là 25% và 30%.
Lý giải về đề xuất này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, việc này nhằm thúc đẩy dung lượng thị trường với những dòng xe ưu tiên phát triển (dung tích nhỏ, tiêu hao nhiên liệu ít, phù hợp với thu nhập của người dân).
Theo lộ trình, trong 2 năm 2016, 2017, thuế suất tiêu thụ đặc biệt cho xe dưới một lít sẽ giảm 5% về 40%; năm 2018 giảm tiếp về 30% và năm 2019 chỉ còn 20%.
Trong khi đó, thuế nhập ôtô từ 9 chỗ trở xuống sẽ về 0% theo các cam kết của Việt Nam khi hội nhập. Theo ông Phạm Đình Thi, khi thuế nhập khẩu giảm sẽ kéo theo thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng giảm theo.
Ông Phạm Đình Thi chia sẻ, trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng ô tô cũng như nhiều mặt hàng chịu thuế TTĐB khác theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, một số hiệp định song phương, cần thiết phải sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô ở mức tương đương với các nước Đông Nam Á (Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin…) đối với dòng xe thân thiện với môi trường, dung tích xi lanh nhỏ để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam; sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước; sửa đổi quy định về giá tính thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước bán hàng qua các khâu trung gian trong nội bộ doanh nghiệp để bảo đảm chính sách minh bạch, rõ ràng.
Được biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015) và thông qua tại 01 (một) kỳ họp. Do những nội dung quy định tại dự thảo Luật đều là những giải pháp cấp bách, vì vậy, Chính phủ đã đề nghị hiệu lực thi hành của dự án Luật là từ ngày 01/01/2016 trừ những điều khoản có quy định hiệu lực cụ thể.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()