Sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm chế độ chính sách cho nhà giáo
Nhằm bảo đảm các chế độ chính sách cho nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế địa phương.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký văn bản 433/BGDĐT-VP trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang.
Đề xuất bổ sung quy định phụ cấp Phó Hiệu trưởng trường liên cấp
Theo đó, cử tri tỉnh Tuyên Quang nêu vấn đề: Theo quy định tại Thông tư số 33/2005/TT-BGDĐT về hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo tron các cơ sở giáo dục công lập, quy định về hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với Phó Hiệu trưởng trường tiểu học riêng, trường trung học cơ sở riêng (Phó Hiệu trưởng trường THCS hạng 1 hưởng hệ số phụ cấp 0,45; Phó Hiệu trưởng trường tiểu học hạng 1 hưởng hệ số phụ cấp 0,4), không có quy định về hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo cho Phó Hiệu trưởng các trường liên cấp.
Cử tri tỉnh Tuyên Quang đề nghị xem xét chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và Trung học cơ sở (trường liên cấp). Hiện nay cùng chức vụ Phó Hiệu trưởng nhưng phụ cấp chức vụ khác nhau.
Về vấn đề này, Bộ GDĐT trả lời như sau: Chế độ phụ cấp lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2005/TT-BGDĐT ngày 8/12/2005 của Bộ GDĐT.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các địa phương đã triển khai thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có quy mô nhỏ cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
Nhằm bảo đảm các chế độ chính sách cho nhà giáo, Bộ GDĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế địa phương.
Giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chứ không giảm số lượng người làm việc
Cử tri tỉnh Tuyên Quang đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế giáo viên ở tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời thực hiện cấp lương và phụ cấp theo lương cho cán bộ giáo viên theo định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục do Bộ GDĐT quy định, không cấp theo số lượng giáo viên được giao trong chỉ tiêu biên chế.
Do hiện nay nhiều cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đều thiếu giáo viên theo định mức quy định nhưng lại không có kinh phí để chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên.
Về vấn đề này, Bộ GDĐT trả lời cụ thể như sau: Việc thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cần được các địa phương thực hiện nghiêm túc trên nguyên tắc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chứ không giảm số lượng người làm việc.
Do đó, địa phương cần có các giải pháp phù hợp để bảo đảm có đủ số lượng giáo viên giảng dạy cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Việc thực hiện cấp lương và phụ cấp theo lương cho giáo viên do UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện. Do đó, Bộ GDĐT đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang có ý kiến với UBND tỉnh Tuyên Quang cấp kinh phí cho ngành giáo duc bảo đảm để chi trả lương, phụ cấp và kinh phí để chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp đối với giáo viên mầm non vùng khó khăn
Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét bổ sung đối tượng giáo viên mầm non giảng dạy tại các điểm trường chính ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách như giáo viên giảng dạy ở các điểm trường lẻ theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (vì giáo viên giảng dạy tại các điểm trường chính cũng nằm trong vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn).
Về vấn đề này, tại văn bản số 383/BGDĐT-VP, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời cụ thể như sau: Giáo viên mầm non dạy ở các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép và trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là rào cản về ngôn ngữ.
Tuy nhiên, so với các điểm trường chính, tại các điểm trường lẻ điều kiện địa lý khó khăn, đường xá hiểm trở, cách biệt, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn hẹp, thiếu thốn, giáo viên gặp vất vả hơn trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ, đặc biệt là đối với đối tượng trẻ em người dân tộc thiểu số cần tăng cường tiếng Việt và hỗ trợ việc chuẩn bị đồ dùng, đồ chơ nhằm thực hiện các hoạt động giáo dục tăng cường tiếng Việt cho nhiều đối tượng trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép.
Vì vậy trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Chính phủ mới chỉ phê duyệt cho đối tượng giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt hoặc dạy lớp ghép tại các điểm lẻ được hưởng chế độ hỗ trợ. Giáo viên tại các điểm chính chưa được hưởng chế độ hỗ trợ này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến của cử tri để nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp trong thời gian tới.
Ý kiến ()