Sửa đổi Bộ Luật dân sự theo hướng bảo đảm nguyên tắc tự do bình đẳng giữa các chủ thể
Ngày 21-8, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của QH tiếp tục phiên họp thứ 16, cho ý kiến về Dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự phiên họp.
Nhiều ý kiến thống nhất với quan điểm của Ban soạn thảo cho rằng, việc sửa đổi nhằm xây dựng Bộ Luật dân sự thật sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên, ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, tổ chức trong giao lưu dân sự. Ðồng thời, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế – xã hội sau khi Hiến pháp được sửa đổi.
Dự thảo bộ luật đưa ra một số nội dung mới, như quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của các chủ thể bình đẳng với nhau trong quan hệ thân nhân và quan hệ tài sản. Dự thảo bộ luật cũng bổ sung quy định cụ thể về mối quan hệ giữa Bộ Luật dân sự với các luật khác có liên quan theo nguyên tắc: Bộ Luật dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. Cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp (sửa đổi) về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Các ý kiến cũng thống nhất với việc sửa đổi bộ luật trên cơ sở kế thừa Bộ Luật dân sự hiện hành, trong đó quy định bảy nguyên tắc cơ bản, đặc trưng của pháp luật dân sự Việt Nam, bao gồm: nguyên tắc tự do, tự nguyện, cam kết, thỏa thuận; nguyên tắc bình đẳng; nguyên tắc thiện chí, trung thực; nguyên tắc tôn trọng đạo đức truyền thống tốt đẹp; nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của người khác; nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự; nguyên tắc hòa giải.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()