Sửa đổi 5 nhóm chính sách quan trọng trong Luật Đất đai
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chuẩn bị cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Bộ đang tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để đề xuất đối với 5 nhóm chính sách trọng tâm của Luật.
Ảnh minh họa
Bộ trưởng cho biết, đất đai là tài nguyên hữu hạn và là tài sản rất có giá trị. Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước.Bởi vậy, để sửa đổi Luật, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành đánh giá tình hình tổ chức thi hành Luật Đất đai, nghiên cứu các bài học kinh nghiệm của các quốc gia, tham vấn ý kiến của các chuyên gia để đề xuất đối với các nhóm chính sách trọng tâm của Luật.
Theo đó, nhóm chính sách thứ nhất của Luật Đất đai là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm đổi mới nội dung, phương pháp lập, tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là công cụ quan trong để quản lý, khai thác, sử dụng một cách bền vững tài nguyên và tài sản đất đai.
Nhóm thứ hai là kinh tế đất, giá đất. Đây là công cụ rất quan trọng để vừa quản lý, sử dụng đất đai một cách tiết kiệm, hiệu quả, thúc đẩy việc khai thác nguồn lực đất đai; vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên có liên quan như: Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư trong quá trình phát triển.
Nhóm thứ ba là chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra thì một trong những điều kiện cần thiết là phải thúc đẩy được quá trình tích tụ, tập trung đất đai. Nội dung sửa đổi, bổ sung đã tập trung vào các quy định như: Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, chế độ quản lý, sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; chính sách và các biện pháp thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp, đặc biệt là thị trường thuê đất phát triển, các dịch vụ thị trường,… nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tích tụ, tập trung đất đai phục vụ đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhóm thứ tư là chính sách thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Đây cũng là nội dung quan trọng cần phải sửa đổi.
Nhóm chính sách thứ năm là chính sách về người sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giải quyết tranh chấp đất đai,.… nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật đất đai và các luật khác có kiên quan, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên thực tế.
Về lộ trình sửa đổi, bổ sung, Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật và trình Chính phủ trong tháng 2/2019.
Tuy nhiên, do Luật Đất đai là một đạo luật lớn, có tác động đến mọi mặt của đời sống, vì vậy để có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung. “Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lùi thời hạn trình dự án Luật này sau năm 2020 và đồng thời giao Bộ tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi, bổ sung”. Bộ trưởng cho hay./.
Ý kiến ()