Sửa chữa các công trình giao thông đường bộ: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới
LSO-Trong 3 năm trở lại đây, Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn đã tổ chức thử nghiệm nhiều công nghệ, vật liệu mới vào xây dựng sửa chữa cầu đường bộ như: sản phẩm Carboncor asphalt là vật liệu rải mặt đường;
LSO-Trong 3 năm trở lại đây, Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn đã tổ chức thử nghiệm nhiều công nghệ, vật liệu mới vào xây dựng sửa chữa cầu đường bộ như: sản phẩm Carboncor asphalt là vật liệu rải mặt đường; nhũ tương axit dùng cho xây dựng kết cấu mặt đường; công nghệ vật liệu tyfo giúp sửa chữa cầu yếu, thành công đạt kết quả hết sức tích cực góp phần vào nâng cao chất lượng tuổi thọ công trình giao thông đường bộ thân thiện với môi trường.
Thi công mặt đường quốc lộ 4B bằng vật liệu mới |
Kỹ sư Hoàng Văn Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng công trình giao thông Lạng Sơn cho biết: “đối với các sản phẩm công nghệ vật liệu mới mà Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn đã và đang triển khai thử nghiệm tại một số công trình xây dựng hạ tầng giao thông trong thời gian vừa qua, dưới góc độ là những người làm chuyên môn về tư vấn khảo sát, thiết kế công trình giao thông chúng tôi thấy đó là những vật liệu mới có nhiều ưu điểm vượt trội so với các vật liệu truyền thống như khó xảy ra thất thoát trong quá trình tổ chức thi công và dễ dàng trong quản lý về chất lượng công trình, điều kiện thi công đơn giản và rất thân thiện với môi trường. Hiện sản phẩm Carboncor asphalt đang được sử dụng rất hiệu quả trong sửa chữa, bảo trì mặt đường bộ tại khu vực đô thị và bảo trì mặt đường các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải, sản phẩm này đang được áp dụng tại một số công trình như cải tạo nâng cấp tại km 53 đến km 55 quốc lộ 4B khu vực thị trấn Đình Lập; dự án cải tạo mặt đường bảo đảm giao thông tại km 47 đến km 53 quốc lộ 4B địa phận xã Đình Lập, huyện Đình Lập, sửa chữa mặt đường đoạn km 72 đến km 73 quốc lộ 1B, cho hiệu quả cao, tiến độ thi công nhanh hơn nhiều so với sản phẩm nhựa nóng hay nhựa nguội truyền thống. Đối với vật liệu tyfo đã được các nhà khoa học thuộc trường Đại học giao thông vận tải nghiên cứu thực nghiệm để ứng dụng sửa chữa thành công tại hơn 70 cầu yếu trên phạm vi toàn quốc. Sản phẩm này hiện Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn đang cho tổ chức triển khai thi công thử nghiệm để sửa chữa cầu yếu Bó Củng trên tuyến quốc lộ 4A địa phận huyện Văn Lãng. Ông Nguyễn Đình Đại, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn cho biết, trong thời gian qua Sở đã phối hợp với các trung tâm nghiên cứu thuộc các trường đại học chuyên ngành về giao thông vận tải, các nhà phân phối sản phẩm, tổ chức các hội thảo khoa học chuyên sâu và thực nghiệm về ứng dụng vật liệu mới với mục đích là nhằm tìm ra những giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất để ứng dụng vào sửa chữa, khắc phục các cầu yếu cũng như sửa chữa bảo trì các công trình đường bộ phù hợp với điều kiện thực tế ở Lạng Sơn với chi phí hợp lý. Trên cơ sở đó ngành giao thông vận tải đã tham mưu, đề xuất với tỉnh cho phép ứng dụng các công nghệ vật liệu mới này vào sửa chữa các công trình đường bộ trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả nhất.
Trong bối cảnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh Lạng Sơn còn nhiều khó khăn, nhiều công trình đã và đang xuống cấp nghiêm trọng cản trở phát triển kinh tế xã hội, việc Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào xây dựng sửa chữa công trình giao thông đường bộ là một nỗ lực đáng ghi nhận. Điều đó không chỉ giúp cho củng cố hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội mà còn góp phần tham mưu kịp thời cho tỉnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13/NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()