Sự vụt tắt của những ánh hào quang giả tạo
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Theo đó, ông Đỗ Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới hơn 8.000 tỷ đồng…
Từ một doanh nghiệp tên tuổi, từng có thời hoàng kim trên thị trường bất động sản, không phải bỗng chốc mà Tân Hoàng Minh sa cơ. Ngoài cái tên đình đám này, một số chủ tịch, lãnh đạo doanh nghiệp lớn cũng bị “nhập kho” trong vài năm qua.
Lời răn của người xưa “Đừng thấy đỏ mà tưởng chín” vẫn ứng nghiệm khi suy xét vào những doanh nghiệp làm ăn kiểu chụp giật, “lừa đảo để sống ảo”. Những lâu đài trên ánh hào quang giả tạo đều sẽ sớm lụi tàn và để lại bao hậu quả không chỉ cho cá nhân, mà còn với cộng đồng…
1. Cùng với Tân Hoàng Minh, còn có những “từ khóa” khá hot trong vài năm gần đây. Trong đó, Vạn Thịnh Phát, với Chủ tịch HĐQT là Trương Mỹ Lan và 3 đồng phạm bị khởi tố, bắt giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; từ năm 2018-2019, họ đã gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư… Trước đó không lâu, Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT FLC cũng bị bắt tạm giam với tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”; Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC cũng trở thành bị can, bị cáo vắng mặt trong một phiên tòa xét xử tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ; Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings cũng bị bắt giam về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”…
Trở lại vụ án Tân Hoàng Minh, ngoài Đỗ Anh Dũng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đề nghị truy tố một số bị can, trong đó có Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Trần Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Cung Điện Mùa Đông; Lê Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh…
Kết luận điều tra cho thấy, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, bị can Đỗ Anh Dũng và một số thuộc cấp đã sử dụng pháp nhân của 3 công ty con gồm: Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty cổ phần Cung Điện Mùa Đông để thực hiện hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu.
Có 9 đợt trái phiếu đã được Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành trái quy định pháp luật với tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Tân Hoàng Minh đã tổ chức mua phần lớn trái phiếu doanh nghiệp của các công ty con, sau đó bán lại cho nhà đầu tư cá nhân thông qua hình thức ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư, chiếm đoạt số tiền khoảng 8.000 tỷ đồng.
Đây là số tiền quá lớn mà chỉ trong hơn nửa năm, Tân Hoàng Minh móc được từ hầu bao của các nhà đầu tư. Chỉ với vài xảo thuật, vài cái phẩy tay, bỗng chốc Đỗ Anh Dũng “bỏ túi” khoảng 323 triệu USD! Và, cũng như Đỗ Anh Dũng, Trịnh Văn Quyết, Trương Mỹ Lan… đương nhiên khi ngồi trên núi vàng, chủ nhân sẽ “tỏa sáng”, xuất hiện ở những nơi sang trọng, quý phái. Và, “miệng kẻ sang có gang có thép”, một lời của họ khi đó, dẫu ngớ ngẩn, ngang ngược thì có thể vẫn được không ít người tung hô, coi là “nhả ngọc phun châu”.
2. Chính từ ánh hào quang giả tạo của những thương hiệu như Tân Hoàng Minh đã gây ra bao đau thương cho các gia đình, đe dọa sự ổn định, phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu nói riêng và nền kinh tế nói chung. Từ vụ án này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có kiến nghị đối với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại và các cơ quan chức năng những nội dung nhằm không để tái diễn hoạt động lừa đảo, thao túng trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, kiến nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan, hoàn thiện quy trình tổ chức và giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch công khai, minh bạch; đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được kiểm tra, xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm, tội phạm liên quan.
Xử lý nghiêm đối với các công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá, kiểm toán viên và thẩm định viên có sai phạm đã kết luận trong vụ án (đình chỉ kinh doanh; thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thẩm định giá; thu hồi chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên, thẩm định viên…); đồng thời, cần chủ động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá, kiểm toán viên và thẩm định viên.
Có biện pháp quản lý chứng chỉ hành nghề, đăng ký con dấu pháp nhân, chữ ký kiểm toán viên, thẩm định viên để phòng ngừa các đơn vị, cá nhân này lợi dụng chứng chỉ, chức danh nghề thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, bán tư cách pháp nhân, bán con dấu, ký giả chữ ký trên các báo cáo kiểm toán, chứng thư thẩm định giá vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, các quy định về thẩm định giá và quy định pháp luật liên quan; kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định về Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, trong đó quy định cụ thể, chi tiết đối với việc định giá tài sản hình thành trong tương lai và hồ sơ, thủ tục định giá tài sản đảm bảo cho phát hành trái phiếu.
Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các công ty chứng khoán trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhằm nâng cao vai trò, gắn trách nhiệm của các công ty chứng khoán trong việc phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát tổng thể các ngân hàng thương mại đang cung cấp dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm của các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; yêu cầu đánh giá lại tính pháp lý, giá trị tài sản để đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ của tài sản và khả năng thanh toán, thanh khoản khi tổ chức phát hành không trả được gốc, lãi trái phiếu đến hạn.
Yêu cầu các ngân hàng thương mại cần có quy định rõ quy trình, thủ tục tiếp nhận tài sản bảo đảm của trái phiếu, mở tài khoản trái phiếu đảm bảo chặt chẽ, phòng ngừa vi phạm, không ỷ lại chứng thư thẩm định giá của các công ty thẩm định giá trong khi các ngân hàng đều có bộ phận thẩm định và quản lý rủi ro để đánh giá tính hợp pháp, khả thi của các loại tài sản bảo đảm trái phiếu; giám sát dòng tiền luân chuyển qua tài khoản trái phiếu, không để lợi dụng chuyển tiền ra khỏi tài khoản trái phiếu không đúng mục đích phát hành; quy định trách nhiệm của các ngân hàng khi cung cấp các dịch vụ liên quan phát hành trái phiếu.
“Yêu cầu các ngân hàng thương mại gồm VietinBank, VietcomBank, SHB tổ chức rà soát, kiểm điểm việc cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản, quản lý tài sản bảo đảm các gói trái phiếu riêng lẻ của Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông, trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm về mặt đảng và chính quyền đối với những cá nhân, đơn vị có liên quan” – kết luận của Cơ quan CSĐT nêu rõ… Cùng với đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng chỉ rõ và kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
3. Trong vụ án Tân Hoàng Minh, một điều may mắn là số tiền 8.000 tỷ đồng đã được thu hồi. Tại cuộc họp báo ngày 2/10/2023 của Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế đã trả lời báo chí về cơ hội nhà đầu tư được nhận lại số tiền hơn 8.000 tỷ đồng mà Tân Hoàng Minh đã nộp để khắc phục hậu quả. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, đây là tiền vật chứng vụ án nên việc xử lý như thế nào là do tòa án. Khi xét xử, nếu tòa phán quyết Tập đoàn Tân Hoàng Minh lừa đảo thì số tiền này sẽ được trả lại nhà đầu tư.
Với Vạn Thịnh Phát, từng có thời gian được coi như một biểu tượng giàu có và quyền lực ở thành phố lớn nhất Việt Nam. Dẫu dư luận có không ít thị phi, râm ran về những khuất tất trong nhiều “thương vụ” của Vạn Thịnh Phát, song ít ai nghĩ sẽ có ngày bà Trương Mỹ Lan bị pháp luật gọi tên bởi nỗi ám ảnh thế lực của “chị đại” này quá lớn. Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan đã bị khởi tố, tắt tạm giam cách đây đúng 1 năm (7/10/2022). Đến nay, bước đầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định số tiền thiệt hại trong vụ án này khoảng 30.000 tỷ đồng, liên quan đến hơn 42.000 bị hại.
Như vậy, so với nhiều nhà đầu tư trong vụ án Vạn Thịnh Phát, các nhà đầu tư của Tân Hoàng Minh có phần may mắn hơn vì còn cơ hội nhận lại tiền.
Rõ ràng Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, AIC, hay FLC… hoặc một số cái tên khác từng có thời hoàng kim, tỏa hào quang hấp dẫn không ít người; cuối cùng đều vụt tắt. Một đời người, thường chỉ được sống an toàn nếu làm việc, hưởng thụ đúng với năng lực của mình. Một tập đoàn, một thương hiệu chỉ có thể tồn tại, phát triển bền vững bằng thực lực, bằng sản phẩm, sáng chế, dịch vụ… hữu ích phục vụ cộng đồng, đất nước.
Nguồn:https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/su-vut-tat-cua-nhung-anh-hao-quang-gia-tao–i709818/
Ý kiến ()