Sự vào cuộc của hội phụ nữ
LSO-Bạo lực gia đình (BLGĐ) gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thân thể, nhân phẩm người phụ nữ, vì thế, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm phòng, chống BLGĐ, tiến tới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ.
Phụ nữ thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc nghe tuyên truyền phòng chống bạo lực, xây dựng gia đình hạnh phúc |
Tư vấn, hòa giải
Chồng chị H.T.C. (xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình) mỗi khi rượu vào thì lời ra, rồi “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Một lần, quyết không cam chịu cảnh đòn roi của chồng, chị C đã chạy đến nhà trưởng thôn nhờ can thiệp. Nhận được tin, hội phụ nữ xã đã phối hợp với công an xã và các đoàn thể đến tận nhà để giảng giải cho người chồng hiểu hành vi đó là trái với đạo đức, vi phạm pháp luật. Qua nhiều lần được tuyên truyền, người chồng đã dần thay đổi. Cuộc sống gia đình họ đã qua giai đoạn sóng gió.
Chị Nông Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lộc Bình cho biết: Nạn nhân của các vụ BLGĐ phần lớn là phụ nữ. Để xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, các cấp hội phụ nữ huyện đã tích cực phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể hòa giải kịp thời và tuyên truyền giúp chị em có kỹ năng tốt hơn trong bảo vệ bản thân, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Từ đầu năm 2017 đến nay, các cấp hội đã tuyên truyền được 948 cuộc cho hơn 31.220 lượt người.
Được biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 285 đơn thư chủ yếu liên quan đến BLGĐ, ly hôn… Các cấp hội đã tích cực phối hợp tham gia hòa giải thành công 68/68 vụ việc, góp phần hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp, giải quyết mâu thuẫn, hạn chế BLGĐ, giữ gìn hạnh phúc gia đình, đoàn kết cộng đồng.
Tăng cường tuyên truyền, nhân rộng mô hình
Thực tế cho thấy, các vụ BLGĐ thường bắt đầu từ những nguyên nhân như: kinh tế khó khăn, sinh con một bề, tư tưởng “chồng chúa, vợ tôi”… Nạn nhân của các vụ BLGĐ phần lớn là phụ nữ, họ bị chồng bạo hành thể xác lẫn tinh thần.
Vì thế, để phòng chống BLGĐ, cần phải giúp người chồng, người vợ thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử trong gia đình. Từ đầu năm 2017 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được 94 cuộc về Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới cho hơn 5.170 hội viên, phụ nữ tham gia. Đồng thời, tổ chức các hội thi, tọa đàm theo chuyên đề và nhóm đối tượng… được 3.618 cuộc, thu hút hơn 125.740 lượt người tham dự.
Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ đã và đang nhân rộng các loại hình CLB trong lĩnh vực gia đình. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 492 CLB với hơn 10.980 thành viên. Trong đó, có 226 CLB Gia đình hạnh phúc (5.650 thành viên), 80 CLB Giới và phòng chống BLGĐ (1.740 thành viên)…
Các CLB này được thành lập và duy trì hoạt động (hằng tháng, quý thông qua tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề) có hiệu quả đã góp phần nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phòng chống BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.
Để xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, bà Vũ Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao hiệu quả tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các ngành chức năng tổ chức thực hiện tốt Luật Phòng chống BLGĐ; chỉ đạo các cơ sở hội nhân rộng các mô hình phù hợp điều kiện thực tế của gia đình, từng địa bàn, nhằm góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()