Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam
Ngày 18-12-1972, B52 bắt đầu ném bom Hà Nội, khoảng 200 nghìn người đã được sơ tán khỏi thành phố. Ảnh tư liệu Cách đây 40 năm, quân và dân ta đã lập nên kỳ tích "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", đập tan nỗ lực quân sự cuối cùng của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi vẻ vang đó được tạo nên bởi nhiều nhân tố.Bên cạnh sự nỗ lực phi thường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thì sự ủng hộ, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của bạn bè quốc tế, đặc biệt là về chính trị, tinh thần và vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) anh em là một điều kiện quan trọng, bảo đảm cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta giành thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Mọi thắng lợi của Đảng ta và của nhân dân ta không thể tách rời sự ủng hộ nhiệt tình của Liên Xô, Trung Quốc và cả phe XHCN, của phong trào cộng sản và công...
Ngày 18-12-1972, B52 bắt đầu ném bom Hà Nội, khoảng 200 nghìn người đã được sơ tán khỏi thành phố. Ảnh tư liệu |
Bên cạnh sự nỗ lực phi thường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thì sự ủng hộ, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của bạn bè quốc tế, đặc biệt là về chính trị, tinh thần và vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) anh em là một điều kiện quan trọng, bảo đảm cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta giành thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Mọi thắng lợi của Đảng ta và của nhân dân ta không thể tách rời sự ủng hộ nhiệt tình của Liên Xô, Trung Quốc và cả phe XHCN, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào hòa bình và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới”.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tiếp nhận từ năm 1965 đến 1972, các nước XHCN đã giúp Việt Nam khoảng hơn 7.000 quả đạn tên lửa SA-75 và 180 Hồng Kỳ, gần 5.000 khẩu pháo cao xạ các loại, gần năm triệu viên đạn pháo cao xạ, hơn 400 máy bay chiến đấu MIG-17, 19, 21, K6, hàng trăm ra-đa tiên tiến, hiện đại; gần 4.000 chuyên gia quân sự phòng không của Liên Xô. Nhờ sự giúp đỡ hiệu quả của các nước anh em, mà lực lượng Phòng không miền bắc được trang bị tương đối mạnh, huấn luyện thuần thục và tổ chức thành một mạng lưới phòng không có tầm thấp (ba thứ quân), tầm trung bình, tầm cao có pháo cao xạ được trang bị khí tài chiến đấu trong mọi thời tiết, ngày, đêm, chiếm 35% tổng số pháo; tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu MIG 21 có tốc độ trên tốc độ âm thanh đang được cải tiến. Ra-đa trinh sát và ra-đa dẫn đường cho máy bay số lượng tăng nhiều và chất lượng cũng được cải tiến (P12, P35…), bảo đảm mạng lưới trên không tương đối vững chắc.
Tiếp sau là sự động viên, cổ vũ về chính trị, tinh thần của Đảng, Chính phủ, nhân dân Liên Xô, Trung Quốc cùng nhiều nước bạn bè trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ đối với cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân Việt Nam trong 12 ngày, đêm cuối năm 1972. Sự cổ vũ, động viên đó đã khích lệ tinh thần chiến đấu quật cường, là niềm tin và điểm tựa trong quá trình chiến đấu của Việt Nam; đồng thời, gây áp lực lớn đối với thế lực hiếu chiến Mỹ.
Tiếp nhận nguồn chi viện quý báu đó, Việt Nam đưa ngay vào khai thác và sử dụng, trực tiếp phục vụ cho cuộc chiến đấu chống lại hai cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra đối với miền bắc. Với sự nỗ lực cao độ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã từng bước xây dựng được lực lượng Phòng không – Không quân (PK-KQ) mạnh mẽ, khiến chính Mỹ phải kinh ngạc và thừa nhận: Bắc Việt Nam có một trong các hệ thống phòng không có hiệu quả nhất trong lịch sử. Hệ thống này gồm máy bay tiêm kích MIG-17 và sau này thêm MIG-21, các tên lửa đất đối không SA-2, cũng như hàng nghìn vũ khí khác từ pháo 12,7 mm đến pháo 100 mm.
Tính đến trước ngày 18-12-1972, ngày đế quốc Mỹ mở đầu cuộc tập kích chiến lược bằng B.52 vào Hà Nội và Hải Phòng, chỉ riêng ở Hà Nội, quân và dân miền bắc đã xây dựng được 30 trận địa cho tên lửa, hơn 100 trận địa cho pháo cao xạ các loại; mỗi tiểu đoàn tên lửa đều có hơn hai cơ số đạn; hệ số kỹ thuật của tên lửa bảo đảm 100%, của pháo phòng không là 95% và của ra-đa là 96,5%. Trên chiến trường miền bắc, từ Nghệ An trở ra, Việt Nam đã tập trung một lực lượng phòng không chủ lực mạnh nhất từ trước cho đến lúc bấy giờ, cho cuộc quyết chiến trên không cuối tháng 12 năm 1972 với Mỹ, bao gồm: ba Sư đoàn Phòng không: 361, 363, 375; 23 tiểu đoàn tên lửa (60%); 13 trung đoàn cao xạ (50%); bốn trung đoàn không quân (100%); bốn trung đoàn ra-đa (80%); ba trung đoàn, hai tiểu đoàn phòng không của các quân khu Việt Bắc, Hữu Ngạn, Tả Ngạn. Ngoài ra, còn có 346 đội (1.428 khẩu pháo) phòng không của dân quân, tự vệ.
Với khối binh lực này, quân và dân ta đã triển khai thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không, đất đối biển đầy hiệu lực; bố trí các lực lượng phòng không, phòng thủ biển ba thứ quân rộng khắp, nhiều tuyến, nhiều khu vực, lấy Quân chủng PK-KQ làm nòng cốt, vừa có lực lượng tại chỗ rộng, có lực lượng cơ động mạnh và lực lượng dự bị thích hợp tăng cường cho các hướng, các nhiệm vụ đột xuất; cho phép phát huy được uy lực của mọi loại vũ khí trang bị đánh địch liên tục; kết hợp chặt cả hai phương thức tác chiến tại chỗ rộng khắp của lực lượng phòng không địa phương và tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng của các lực lượng phòng không chủ lực. Dựa trên thế trận đó, quân và dân miền bắc đã chủ động đánh trả kịp thời và hiệu quả máy bay, tàu chiến Mỹ ngay từ ngày đầu, trận đầu. Kết quả cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối năm 1972 là 81 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52, năm F.111, 44 phi công đã bị lực lượng phòng không Việt Nam bắn hạ và bắt sống. Thắng lợi đó đã cùng cả nước buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, cam kết rút quân và không can thiệp vào nội bộ Việt Nam.
Đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ cuối năm 1972, buộc chúng phải khuất phục khi con chủ bài B.52 bị quân và dân ta bắn hạ tới mức không thể chịu đựng, Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam là lực lượng bắn rơi nhiều máy bay B.52 nhất (29/34 chiếc), góp phần quyết định vào thắng lợi của chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội. Riêng số lượng đạn tên lửa SA-75 do các nước XHCN viện trợ cho Việt Nam, được sử dụng trong chiến dịch 12 ngày đêm, theo thống kê của ta gần 400 quả đạn; còn theo tính toán của phía Mỹ cho rằng: Bắc Việt đã sử dụng 1.200 quả đạn tên lửa SA-2 để bắn trả máy bay B.52. Ngoài số đạn tên lửa đó, các lực lượng phòng không khác của Việt Nam đã sử dụng hàng triệu viên đạn pháo cao xạ các loại để diệt máy bay và bảo vệ các trận địa tên lửa, mục tiêu quan trọng.
Như vậy, quân và dân ta đã kiên cường chiến đấu với bom, đạn, máy bay B.52 của đế quốc Mỹ, với niềm tin “chiến thắng” bất diệt và ủng hộ to lớn của bạn bè trên thế giới. Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh cộng với sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế đã làm nên thắng lợi vĩ đại có một không hai trong lịch sử không quân thế giới thế kỷ 20. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, dân tộc Việt Nam đời đời không quên sự giúp đỡ quý báu đó, coi như một nguồn lực có giá trị khích lệ, phát huy nội lực Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()