Sự phục hồi kinh tế mang đậm dấu ấn của Chính phủ hành động
Sự phục hồi kinh tế của cả nước mang đậm dấu ấn Chính phủ hành động trong suốt năm qua với điều hành linh hoạt, quyết liệt dưới sự chỉ đạo của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội….
Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới biến động về kinh tế, xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết, hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, GDP của Việt Nam năm 2022 vẫn tăng trưởng ấn tượng 8,02%.
Sự phục hồi kinh tế của cả nước mang đậm dấu ấn Chính phủ hành động trong suốt năm qua với điều hành linh hoạt, quyết liệt dưới sự chỉ đạo của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội cùng sự nỗ lực của từng địa phương, doanh nghiệp, người dân đã đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.
Phục hồi mạnh mẽ
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra trung tuần tháng 12, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã tự tin khẳng định năm 2022 Việt Nam không bị suy thoái trong COVID-19 mà đã có sự phục hồi mạnh mẽ.
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Mức tăng trưởng này tăng gấp 3 lần tăng trưởng của năm 2021; cao hơn mục tiêu 6-6,5% Chính phủ đặt ra.
Sự phục hồi mạnh mẽ này chính là kết quả tư duy hành động thích ứng mỗi tình huống của toàn hệ thống chính trị trước những diễn biến bất lợi và khó lường từ thế giới.
Mặc dù ngay quý đầu tiên của năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 5,03%, cao hơn mức tăng 4,48% của năm 2021 nhưng cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra đã bắt đầu có độ ngấm.
Việt Nam với độ mở nền kinh tế vừa chịu trực tiếp vừa chịu gián tiếp từ sự đứt gẫy thiếu hụt nguồn cung năng lượng dầu mỏ, lương thực tại các nước châu Âu và chính sách “Không COVID” của Trung Quốc.
Với tư duy hành động, không chủ quan trước dịch bệnh, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các quyết sách để kịp thời hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Đó là ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022; miễn, giảm thuế, phí nhiều nhóm hàng thiết yếu, chiến lược; quyết định mở lại đường bay quốc tế, mở cửa du lịch…
Tiến sỹ Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp-Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, việc Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023 với một số chính sách được thực thi ngay trong quý 1/2022 đã giúp Việt Nam kiểm soát tương đối tốt lạm phát mặc dù chịu áp lực gia tăng chi phí sản xuất do lạm phát toàn cầu và giá cả nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng mạnh.
Kết quả trong nửa đầu năm 2022 tăng trưởng GDP đạt mức ấn tượng 6,42%, cao hơn gấp 3 lần mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2020; 44/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng trên 6%. Sang 7 tháng năm 2022, nhịp độ sản xuất vẫn duy trì tăng trưởng cao với kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 10,2%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 26,8% so với cùng kỳ, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Trong thời gian này, đã có hàng trăm cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước để nắm bắt những khó khăn, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện biến chủng mới trong khi tiêm vaccine phòng dịch ở nhiều nơi chưa đạt mục tiêu đề ra. Áp lực lạm phát tăng, nhất là do giá xăng dầu và nhiều nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao. Tốc độ phục hồi sản xuất của một số trung tâm công nghiệp lớn còn thấp. Việc ban hành một số văn bản hướng dẫn các cơ chế, chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chưa bảo đảm tiến độ; một số chính sách triển khai chậm.
Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái ngắn hạn; xung đột tại Ukraine có thể kéo dài; việc tăng lãi suất và điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa của một số nước, khu vực có tác động lớn đến sự phục hồi kinh tế và tiềm ẩn rủi ro đối với sự ổn định tài chính, tiền tệ toàn cầu.
Trong bối cảnh này, tại Nghị quyết thường kỳ tháng 7 năm 2022, Chính phủ đã yêu cầu các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các ngành, địa phương tập trung thực hiện trên tinh thần: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và công tác quy hoạch; tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết. Đặc biệt “kiên quyết không” điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột mà phải luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, hiệu quả và chắc chắn.
Với hành động quyết liệt, thích ứng từng tình huống trong điều hành của Chính phủ, nền kinh tế năm 2022 có phục hồi ổn định rõ rệt từ các tháng tiếp theo. Một số lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt lạm phát được kiềm chế ở mức 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) 7 lần tăng lãi suất, lạm phát nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng mạnh; kim ngạch xuất nhập khẩu lập đỉnh cao mới trên 730 tỷ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với năm trước; vốn FDI thực hiện đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam đã được nhiều tổ chức quốc tế, các định chế nước ngoài ghi nhận. Ngân hàng HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 8,1%, thay vì mức 7,6% dự báo cũ. Ngân hàng Thế giới trước đó cũng nâng dự báo tăng trưởng lên 7,2%, tăng so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước; Ngân hàng Phát triển châu Á cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% mức cao nhất trong khu vực các quốc gia Đông Nam Á.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bà Kristalina Georgieva đã đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định tại khu vực, có nền kinh tế mở, năng động, có sức chống chịu qua đại dịch COVID-19.
Cũng trong năm 2022, cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody’s, Standard & Poor’s (S&P) và Fitch Ratings đều đánh giá hạng tín nhiệm của Việt Nam một cách tích cực. Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam được nâng lên, tính tự chủ được cải thiện. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên, đời sống của người dân được cải thiện.
Thách thức 2023
Năm 2023 trước hậu quả nặng nề của dịch COVID-19, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột quân sự kéo dài, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ đặt ra nhiều thách thức. Trong khi đó, nội lực nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Trước hết, sức khỏe tài chính doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ bị bào mòn sau 2 năm chống chọi dịch COVID-19 và ảnh hưởng các bất ổn chính trị trên thế giới; giải ngân đầu tư công chậm chưa được khắc phục. Những vi phạm từ huy động trái phiếu doanh nghiệp, thao túng thị trường chứng khoán bộc lộ bất cập trong khâu quản lý làm sụt giảm niềm tin nhà đầu tư khiến 2 thị trường này bị ảnh hưởng mạnh.
Ngay tại Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5, nhiều giải pháp cho mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đã được Chính phủ, các chuyên gia đề cập.
Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan quản lý khẩn trương có biện pháp để chấn chỉnh, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, bền vững đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư; theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và theo đúng quy định pháp luật.
Trong ảnh: Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng gần 8% trong năm 2022. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 từ 1,5-2% lên 15,5-16%, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy nhanh giải ngân chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Các tổ chức tín dụng phải tiết giảm chi phí, thủ tục hành chính để có dư địa giảm thêm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng vừa tiếp tục có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dưới góc độ thị trường, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam thiết kế riêng cho từng thị trường (ưu tiên thị trường EU và châu Mỹ). Thương vụ Việt Nam ở các thị trường tham gia Hiệp định Thương mại tự do (FTA) xây dựng kênh kết nối đối tác với doanh nghiệp Việt Nam ở từng thị trường và phổ biến thông tin rộng rãi về các kênh kết nối này cho doanh nghiệp; thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam…
Về dài hạn, VCCI kiến nghị Đảng và Nhà nước nghiên cứu khả thi và xúc tiến việc đàm phán các FTA mới với một số thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam, như Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi…
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khi kinh tế suy giảm tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, dư địa của chính sách tài khóa còn tương đối tốt nhờ những nỗ lực để đảm bảo cân đối tài chính ngân sách thời gian qua.
Năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022. Do đó, áp lực giải ngân vốn đầu tư công rất lớn.
Với tồn tại giải ngân chậm trong nhiều năm qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề nghị các bộ, ngành chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ngay từ đầu năm 2023, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra.
Với các thách thức từ trong và ngoài nước, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 như Quốc hội giao khoảng 6,5%, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta không hoang mang, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp. Càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, chung sức cùng thực hiện; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp, “lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ”./.
Ý kiến ()