Sự phát triển bền vững về quy mô và chất lượng
Bữa ăn của trẻ ở Trường Mầm non xã Bắc Xa (Đình Lập) |
Trước hết, ngành tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện ra chỉ thị, kế hoạch để huy động nỗ lực của toàn hệ thống chính trị hỗ trợ cho GDMN; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở trong phát triển cấp học này. Duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo cấp huyện ở mức độ cao trong việc hướng dẫn, đôn đốc Ban chỉ đạo cấp xã thực hiện nhiệm vụ của mình. Về phần mình, ngành chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân về lợi ích khi cho trẻ đến trường mầm non và những chính sách chế độ của trẻ khi đến trường. Chuẩn bị chu đáo để đáp ứng 2 vấn đề cơ bản là cơ sở vật chất trường lớp học, trang thiết bị dạy và học, trang bị cho lớp bán trú và 2 buổi/ngày; thực hiện các giải pháp tăng cường đội ngũ giáo viên cho các trường MN.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự năng động, sáng tạo của các nhà trường, đến hết năm 2013, tất cả 12/12 xã, thị trấn của huyện đã hoàn thành quy hoạch đất cho 13 trường MN với 83/88 điểm trường. Tổng diện tích được cấp mới là trên 79.300m2, mở rộng gần 3.000m2; trong đó có 8 gia đình ở các xã Thái Bình, Lâm Ca, Châu Sơn… hiến gần 3.500m2 đất, tạo điều kiện cho các trường, phân trường mở rộng diện tích. Với phương châm ưu tiên cho sự phát triển của GDMN, ngành đã phát động tiết kiệm chi để dành mua sắm trang thiết bị cho GDMN. Từ năm 2012 đến nay, ngành đã mua sắm và trang bị 8 tủ lạnh, 13 bộ đồ chơi ngoài trời, đồ chơi trong lớp, máy tính, máy chiếu qua đầu ti vi cho 13 trường MN, xây dựng 5 bếp ăn bán trú với tổng kinh phí 2,9 tỷ đồng. Cán bộ, giáo viên toàn ngành đã đóng góp mỗi người 1 ngày lương cộng với 100 triệu đồng từ Công đoàn GD tỉnh đã xây dựng 2 phòng học, góp phần giảm bớt khó khăn về phòng học của một số trường. Trước tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên, ngay trong năm học 2010-2011, ngành đã ký hợp đồng 3 tháng với đội ngũ giáo viên với mức lương cố định là 2 triệu đồng/tháng; từ năm học 2012-2013, giáo viên hợp đồng đã được hưởng lương theo ngạch, bậc và các chế độ chính sách theo quy định và ký 1 lần cho cả năm học. Đây chính là một trong những yếu tố đảm bảo đời sống giáo viên, giúp họ yên tâm công tác tại các nhà trường. Ngành tuyển chọn được đội ngũ nhân viên phục vụ nhiệt tình, được tập huấn về vệ sinh ATTP, ưu tiên con em những gia đình hiến đất cho các nhà trường. Do là người địa phương thông thuộc địa hình, phong tục tập quán địa phương nên ngành đã khá yên tâm về chất lượng và khả năng phục vụ.
Với những nỗ lực cụ thể, đến hết năm học 2012-2013, toàn huyện đã có 14 trường MN với 151 nhóm lớp, đã “xóa” xã “trắng” về GDMN một cách bền vững. Những khó khăn của từng trường như thiếu phòng học, thiếu công trình phụ trợ… đã từng bước được tháo gỡ. Tỷ lệ huy động học sinh các độ tuổi đã được nâng lên qua từng năm và đến năm 2013, tỷ lệ huy động trong độ tuổi nhà trẻ đã đạt 49,8% cao nhất trong toàn tỉnh, tăng 7,1% so với năm học 2010-2011; tỷ lệ huy động trong độ tuổi mẫu giáo đạt 98,7% (tăng 6,72%), riêng trẻ 5 tuổi đạt tỷ lệ 100%. Công tác bán trú được duy trì và mở rộng, năm học 2013-2014 đã có 13/14 trường tổ chức bán trú với tỷ lệ trẻ bán trú và 2 buổi/ngày, đạt trên 98%. Song song với nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng chăm sóc đã được nâng lên; trẻ được khám sức khỏe, theo dõi bằng biểu đồ, tiêm chủng, uống VitaminA đầy đủ nên tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) giảm dần. Năm 2013 tỷ lệ SDD thể thấp còi chỉ ở mức 6,65%, thể nhẹ cân chỉ ở mức 5,2%; riêng trẻ 5 tuổi có tỷ lệ 4,09% ở thể nhẹ cân và 4,73% thể thấp còi. Với những cố gắng không mệt mỏi trong 3 năm qua, toàn huyện đã có 8 xã được công nhận phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, đạt tỷ lệ 66,7%- cao hơn tỷ lệ chung của toàn tỉnh.
Trên đà đó, kế hoạch trong năm 2014, Đình Lập phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn là Kiên Mộc và Đồng Thắng, năm 2015 sẽ có ít nhất 1 xã đạt chuẩn là xã Đình Lập, đưa tổng số đơn vị đạt chuẩn lên 11 xã, thị trấn, đạt tỷ lệ 91,7%. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Mai, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đình Lập cho biết: đối với 2 xã trong năm 2014, ngành đã và đang cố gắng xây dựng phòng học, bếp ăn với kinh phí trên 1 tỷ đồng, luân chuyển đội ngũ giáo viên để đáp ứng với các điều kiện chuẩn. Riêng xã Đình Lập đã có kế hoạch xây dựng trường với kinh phí trên 12 tỷ đồng để đạt các tiêu chí về xã nông thôn mới, đồng thời đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Ý kiến ()