Sự ổn định chính trị mang lại phát triển kinh tế ở Việt Nam
Tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng đã đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có xu hướng suy giảm, việc chọn đối tác, công nghệ, mặt hàng đúng sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.
Sau nhiều năm định cư ở nước ngoài, mùa hè năm 2022, khi cả Australia và Việt Nam đã hoàn toàn dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng Covid-19, ông Bùi Đức Hiệu, kiều bào Australia và hiện là chuyên viên Bộ Dịch vụ công và An sinh xã hội Australia mới có dịp về thăm quê hương. Cảm nhận đầu tiên của ông Hiệu khi trở lại Thủ đô Hà Nội, nơi ông từng sống và làm việc 20 năm, là tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, hệ thống hạ tầng giao thông đô thị được đầu tư mạnh mẽ.
“Sự xuất hiện của các siêu đô thị và đô thị vệ tinh hiện đại, chung cư, tòa nhà cao tầng mọc san sát, trung tâm thương mại với những thương hiệu đẳng cấp quốc tế, hệ thống siêu thị bán lẻ có ở khắp nơi… là minh chứng cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của Việt Nam”, ông Hiệu nhận xét.
Ông Bùi Đức Hiệu (bên phải) và một đồng nghiệp ở Australia. Ảnh: HÀ PHƯƠNG |
Hai tuần về thăm quê hương, ông Hiệu tranh thủ đi tới các vùng, miền và nhận thấy khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, miền xuôi với miền ngược đã được thu hẹp, ít khác biệt về đời sống vật chất và văn hóa. “Nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh tới các vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy sự phát triển tại những nơi vốn nghèo khó trước đây”, ông Hiệu khẳng định.
Theo ông Hiệu: Kiều bào Australia cho rằng, Việt Nam có được thành tựu phát triển vượt bậc trên trước hết là nhờ sự ổn định chính trị. Trong bối cảnh xung đột, bạo loạn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền chính trị ổn định dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, là nền tảng giúp các đối tác nước ngoài yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, người Việt Nam chịu khó, ham học hỏi, có đầu óc thực tế, nhanh tiếp thu các thành tựu khoa học công nghệ. Đặc biệt, qua đại dịch Covid-19, Việt Nam đã trở thành hình mẫu trong phòng, chống dịch. Chiến dịch ngoại giao vaccine cùng các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp Việt Nam nhanh chóng vượt qua đại dịch, trở lại trạng thái bình thường mới. Việt Nam đã nắm bắt những cơ hội mới từ sự tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể thu hút rất nhiều nguồn vốn FDI chất lượng cao.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Trọng Bình, kiều bào ở Mỹ cho rằng, công cuộc đổi mới của Việt Nam đã đạt rất nhiều thành công với nền kinh tế tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo. Theo TS Nguyễn Trọng Bình, tuy vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng, miền nhưng độ “nghèo, đói, rét” đã giảm đi đáng kể, những “bữa cơm có thịt” đã lan rộng đến các thôn bản…
“Việt Nam có được thành tựu kinh tế trên trước tiên là nhờ chính sách ngoại giao đa phương và hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó tranh thủ được sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế thông qua chương trình viện trợ không hoàn lại. Bên cạnh đó, Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, đặc biệt là các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật”, ông Bình khẳng định.
Hiện nay thế giới đang xuất hiện nhiều dấu hiệu của suy thoái toàn cầu, có thể xảy ra vào năm 2023, gây tác động xấu đến mọi quốc gia. Các quốc gia có nền kinh tế nhỏ thường bị chao đảo mạnh, nhưng cũng dễ ổn định và có thể phát triển được nếu có chiến lược kinh tế hợp lý.
Lấy ví dụ “khủng hoảng chip điện tử” xuất hiện từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, TS Nguyễn Trọng Bình cho rằng, nếu chủ động sản xuất chip điện tử từ sớm, Việt Nam có thể trở thành một trong những nhà cung cấp chip hàng đầu thế giới.
“Một con chip điện tử chỉ nhỏ bằng hạt gạo nhưng có giá bán tương đương hàng chục tấn gạo”, ông Bình so sánh. Ông cũng dẫn chứng Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore là những quốc gia châu Á đã vượt qua khó khăn, sản xuất được các mặt hàng công nghệ cao và có những thành công về kinh tế đáng ngưỡng mộ. Do vậy, theo TS Nguyễn Trọng Bình, việc chọn đối tác, công nghệ, mặt hàng phù hợp sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghệ và kinh tế.
Ý kiến ()