Sự nhiệt tâm của cô giáo trẻ
LSO-Với 3 năm “học làm thầy” tại Trường CĐSP Lạng Sơn, được rèn luyện trong môi trường sư phạm miền núi, được thầy cô trau dồi phương pháp, gia đình động viên, tình yêu đối với nghề dạy học của Sái Kim Thoa càng lớn lên theo những tháng ngày…
Sau 7 năm dạy tại Trường Tiểu học thị trấn Đình Lập, tháng 8/2011, Sái Kim Thoa được chuyển về dạy tại Trường Tiểu học 1 xã Đình Lập. Cô dày công tìm ra giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng giáo dục ở một xã tuy gần thị trấn song còn rất nhiều khó khăn về trình độ dân trí nói chung và giáo dục nói riêng. Là giáo viên chủ nhiệm lớp, ngay từ đầu năm học, cô tìm hiểu, khảo sát đối tượng học sinh, tìm ra biện pháp tối ưu trong truyền thụ kiến thức, giúp học sinh nông thôn có phương pháp phù hợp để học tập. Đối với học sinh yếu, cô tìm nguyên nhân, vừa thực hiện dạy học tăng thời lượng, vừa dành thời gian phụ đạo cho các em. Từ việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, cô phát hiện và có kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi. Trong 3 năm học (2011-2013), tỷ lệ học sinh khá, giỏi của lớp 5 do cô phụ trách luôn ở mức 80%, riêng năm học 2012-2013 là 87%. Không chỉ mình có nhiều sáng tạo để thực hiện tốt công việc, với cương vị Tổ trưởng chuyên môn, cô tham mưu cho Ban giám hiệu nhà tường tổ chức các chuyên đề nâng cao chất lượng; cùng đồng nghiệp học tập các mô hình dạy học mới qua tài liệu và internet, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học phù hợp với một trường tiểu học khu vực nông thôn. Sáng kiến “Áp dụng dạy học tích cực môn Toán cấp tiểu học”, sáng kiến “Rèn luyện kỹ năng đổi đơn vị đo lường” cho học sinh lớp 5… của cô đã mang lại hiệu quả và được các đồng nghiệp áp dụng. Là đảng viên trẻ lại được bầu là Chủ tịch Công đoàn, cô luôn gần gũi đồng nghiệp, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của cán bộ, đảng viên, viên chức để giúp đỡ; cùng Ban giám hiệu nhà trường triển khai và duy trì các cuộc vận động mà bao trùm là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các phong trào thi đua mà trọng tâm là thi đua “Dạy tốt, học tốt”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác, cô đã được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2012, là giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi từ cấp trường đến cấp huyện nhiều năm liền. Tháng 12/2011, cô đã đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp tỉnh; giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, được ngành GD&ĐT tỉnh chọn dự thi giáo viên dạy giỏi cấp toàn quốc. Tại Liên hoan giáo viên giỏi Tiểu học cấp Quốc gia, cô đã thể hiện tài năng của mình và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia. Trong 2 năm 2011 và 2012, cô được công nhận là đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, cô vinh dự thay mặt ngành GD&ĐT Đình Lập tham dự Hội nghị Thi đua yêu nước tại tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Tròn 30 tuổi đời, 9 năm tuổi nghề, vừa dạy học, lập gia đình và đã có 2 đứa con nhỏ, chồng tuy đã tốt nghiệp Đại học CNTT song vẫn chưa có việc làm; phần lớn thời gian ở trường, về nhà lại cùng chồng bươn chải với cuộc sống với một suất lương của cô giáo tiểu học, sự vất vả cứ chồng chất lên đôi vài gầy của cô giáo nhỏ nhắn ấy. Song “gánh nặng áo cơm” không thể thắng nổi tình yêu nghề, yêu trẻ mà cô được thừa hưởng từ người mẹ của mình. Cô tâm sự, Đình Lập là 1 huyện nghèo nhất trong 11 huyện thành phố của Lạng Sơn, nguyên nhân là trình độ dân trí còn thấp, chất lượng lao động chưa cao. Cô muốn có sự đóng góp nhỏ để cùng toàn ngành GD Đình Lập xây dựng nên những thế hệ người lao động có tài, đức để khai thác tốt tiềm năng địa phương. Mong ước như vậy và cô đang hàng ngày hàng giờ làm công việc của những “người thợ” xây tòa lâu đài tri thức cho miền đất nghèo khó ấy.
Ý kiến ()