Sự nhập cuộc của các cấp hội phụ nữ
LSO-Với chức năng, vai trò của tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, trong những năm qua, hội phụ nữ các cấp đã tích cực tham gia thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) bằng những hành động thiết thực, hiệu quả.
Cán bộ hội phụ nữ cơ sở tham gia hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật do Hội LHPN tỉnh tổ chức |
Chị Nguyễn Hồng T (thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc) lấy chồng đã hơn 5 năm nhưng không có con. Vì lý do đó mà chị thường xuyên bị chồng giày vò, đánh đập. Nhiều lần hàng xóm vào cuộc, can ngăn nhưng không hiệu quả. Cán bộ hội phụ nữ huyện, thị trấn đã phối hợp với chính quyền địa phương vào cuộc hoà giải bằng cách đưa chị T sang nhà người thân tạm lánh (vì không ngăn được hành vi bạo hành của chồng chị), sau đó hướng dẫn chị làm thủ tục ly hôn. Hiện nay, chị T đang được đảm bảo an toàn và chờ toà án giải quyết.
Còn chị Lô Thị N (xã Xuân Tình, huyện Lộc Bình) đã có với chồng 2 đứa con ngoan ngoãn. Tưởng chừng cuộc sống gia đình sẽ hạnh phúc nhưng chồng chị vì ghen tuông mù quáng nên thường xuyên mượn rượu để đánh đập, hành hạ chị. Để bảo vệ chị, tháng 10/2013, Hội LHPN tỉnh, huyện đã vào cuộc. Một mặt hướng dẫn chị viết đơn trình báo, mặt khác phối hợp với công an, chính quyền địa phương hoà giải, giáo dục, răn đe, để chồng chị N viết kiểm điểm, cam đoan không lặp lại những hành vi bạo lực đối với vợ. Từ đó đến nay, tình trạng bạo lực trong gia đình chị N đã tạm lắng.
Để phụ nữ không còn là nạn nhân của BLGĐ, những năm qua, các cấp hội phụ nữ đã tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, giáo dục truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đặc biệt, từ khi Luật Phòng chống BLGĐ được Quốc hội thông qua (21/11/2007), các cấp hội đã chọn lọc những nội dung phù hợp với trình độ nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để họ hiểu thế nào là BLGĐ, làm thế nào để phòng chống BLGĐ, trách nhiệm của mỗi người phải đấu tranh, phòng chống như thế nào… Tính từ đầu năm 2014 đến nay, các cấp hội đã phối hợp và tổ chức tuyên truyền được 321 cuộc với 15.575 lượt người tham gia.
Cùng với đó, các cấp hội triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình CLB gia đình hạnh phúc, CLB không BLGĐ, CLB phòng chống BLGĐ, CLB trợ giúp pháp lý… góp phần nâng cao kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức pháp luật cho phụ nữ. Đồng thời quan tâm thực hiện công tác phòng chống BLGĐ gắn với cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, trong đó có tiêu chí gia đình không có bạo lực: mọi thành viên trong gia đình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ mọi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm; không có BLGĐ (bạo lực về thể xác, về tinh thần, về kinh tế, về tình dục). Trong 9 tháng đầu năm 2014, các cấp hội đã phát triển được thêm 242 mô hình “5 không 3 sạch” và rà soát thống kê được 1.422 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Mặt khác, các cấp hội đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, với ngành tư pháp, công an trong công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình và tham gia giải quyết các vụ BLGĐ có liên quan đến phụ nữ xảy ra trên địa bàn. Trong 9 tháng đầu năm 2014, các cấp hội đã phối hợp hoà giải tại cơ sở được 22 vụ ly hôn, bạo lực, mâu thuẫn gia đình.
Bà Đặng Thị Kiều Vân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: phòng chống BLGĐ là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Để thực hiện tốt hơn công tác này, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp hội phụ nữ cần có sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền và sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể các cấp từ thôn, bản, khối phố. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm mỗi thành viên trong gia đình trong việc thực hiện tốt Luật Phòng chống BLGĐ và góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()