Sự nghiệp giáo dục đào tạo phải là quốc sách hàng đầu
LSO-Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi toàn dân đoàn kết chống “Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” và ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để tổ chức thực hiện việc chống mù chữ, Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Do đó. “Muốn xây dựng CNXH phải biến một đất nước dốt nát thành một nước có nền văn hóa cao, khoa học phát triển”. Người cho rằng: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng và đặt niềm tin vững chắc vào thế hệ trẻ đối với tiền đồ của dân tộc. Trong thư gửi học sinh nhân khai trường đầu tiên, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Người mong muốn mỗi người dân đều biết đọc, biết viết, biết chữ quốc ngữ để nâng cao dân trí, giữ vững nền độc lập và làm cho dân giàu nước mạnh. Chính vì vậy, trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người đã căn dặn: “Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, đào tạo lớp người thừa kế vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Học sinh Trường tiểu học thị trấn Cao Lộc trong năm học mới 2013-2014 – Ảnh: THANH SƠN |
Đối với Hồ Chủ tịch, nhân tố con người với những tinh hoa như hiểu biết, năng lực, đạo đức là yếu tố then chốt, có tính quyết định thành công của cách mạng, tiến bộ xã hội, tiền đồ của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Người nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Về cách học, Người quan niệm “Phải tự học làm cốt”. Nguyên lý giáo dục, Người nêu lên cho nhà trường xã hội chủ nghĩa là: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Thực tiễn đã cho thấy, quá trình giáo dục tự giác là quá trình thường xuyên, là quá trình lâu dài và thiết thực nhất, bởi lẽ nó gắn bó với cả cuộc đời của mỗi con người và “Việc học không bao giờ cùng, học hành sáng tạo suốt đời”. Lý luận và thực tiễn về tư tưởng tự học, tự giáo dục của Người được xem là tư tưởng chiến lược của việc tiếp tục đổi mới và phát triển của giáo dục – đào tạo trong thời kỳ đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đối với Lạng Sơn, công tác giáo dục – đào tạo không ngừng được duy trì và củng cố. Đến năm 2012, toàn tỉnh đã có 697 trường học, bao gồm: 184 trường mầm non, 247 trường tiểu học, 23 trường tiểu học và trung học cơ sở, 204 trường trung học cơ sở, 24 trường trung học phổ thông, 11 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, 1 trung tâm ngoại ngữ – tin học, 2 trường trung cấp chuyên nghiệp và 2 trường cao đẳng. Toàn tỉnh có 226/226 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 105 trường đạt chuẩn quốc gia, bao gồm: 13 trường mầm non, 56 trường tiểu học, 33 trường trung học cơ sở và 3 trường trung học phổ thông. Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2020 trở thành một trong những tỉnh có nền giáo dục phát triển ở tốp đầu của các tỉnh miền núi phía Bắc và là một trong những tỉnh có giáo dục phát triển ở tốp trung bình của cả nước. Để thực hiện định hướng trên, trong giai đoạn 2011-2020, các giải pháp phát triển giáo dục sẽ tập trung vào những nội dung sau: đổi mới nội dung, phương pháp dạy, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục; gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học giáo dục; tăng cường nguồn hỗ trợ phát triển giáo dục đối với những vùng khó khăn, dân tộc ít người và đối tượng chính sách xã hội. Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục…
Căn cứ vào điều kiện thực tiễn về phát triển giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh, quá trình thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 sẽ được chia ra làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu từ năm 2011 đến năm 2015 là tạo bước chuyển cơ bản về chất lượng giáo dục, đổi mới đồng bộ về nội dung, phương pháp để tổ chức thực hiện tốt chương trình giáo dục. Trọng tâm của giai đoạn hai (2016 -2020) sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đáp ứng các mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch. Thực hiện, điều chỉnh các cơ chế chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư nguồn lực, công tác phổ cập giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo hiệu quả, hợp lý, gắn với chương trình 35 xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Từ những quan điểm trên, chúng ta thấy rằng: sự nghiệp giáo dục đào tạo có vị trí hết sức quan trọng và vai trò hết sức to lớn trong quá trình phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, của tỉnh nhà. Một xã hội được giáo dục tốt là xã hội “dựa trên tri thức”; phát huy được mọi tiềm năng của con người – những con người tư duy sáng tạo, năng động luôn tự điều chỉnh và phát triển. Nhân dịp khai giảng năm học mới, kính chúc sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà đào tạo ra được nhiều những con người thật sự vừa “hồng” vừa “chuyên” theo như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
Ý kiến ()