Sứ mệnh của COVAX gặp thách thức
Một trong những sáng kiến được đặt nhiều kỳ vọng nhất giúp ngăn chặn đại dịch Covid-19 là Cơ chế COVAX để bảo đảm sự tiếp cận vaccine toàn cầu và công bằng. Tuy nhiên, cơ chế này đang đối mặt với thách thức không thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Ở thời điểm Cơ chế COVAX hoạt động được hơn một năm, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus lần thứ 3 tuyên bố đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc, trong khi Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo chủ nghĩa dân tộc vaccine và việc tích trữ vaccine sẽ khiến tất cả thế giới gặp rủi ro. Đây là điều rất đáng lo ngại trong bối cảnh thế giới đã trải qua gần hai năm vật lộn với thảm họa này, cùng không ít sáng kiến, nhưng xem ra kết quả vẫn rất mông lung. Con số 50.000 người chết mỗi tuần trên thế giới vì Covid-19 mà ông Tedros đưa ra là bằng chứng cho thấy các sáng kiến cần phải đẩy mạnh hơn nữa.
Các liều vaccine được chuyển tới Bangladesh thông qua Cơ chế COVAX. Ảnh: UNICEF |
Những cảnh báo của các nhân vật quan trọng ở LHQ càng gây chú ý khi được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới vừa khai mạc theo hình thức trực tuyến tại Berlin (Đức). Liệu những cảnh báo này có được lắng nghe hay không? Nước chủ nhà hội nghị (Đức) cũng là quốc gia hàng đầu cam kết hỗ trợ các nước nghèo thông qua Cơ chế COVAX. Đức cũng đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của các nhà điều phối vaccine thông qua Cơ chế COVAX, không chỉ dừng lại ở hỗ trợ tiền mà cả những liều vaccine. Từ cuối tháng 8-2021, Đức bắt đầu chia sẻ nguồn vaccine và các trang thiết bị y tế với nhiều đối tác qua cơ chế hợp tác song phương. Dự kiến đến cuối năm 2021, Đức sẽ tài trợ 30 triệu liều vaccine cho các nước đang phát triển.
Tại diễn đàn trên, người đứng đầu WHO đã không quên cảm ơn Đức là nhà tài trợ lớn thứ hai thế giới (tổng cam kết đóng góp trị giá 2,2 tỷ euro) cho Cơ chế COVAX. Tuy nhiên, ông cho rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu này vẫn có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa. Cũng không phải ngẫu nhiên, một trong những chủ đề chính của diễn đàn lần này là vai trò của Đức, châu Âu và WHO trong chăm sóc sức khỏe toàn cầu và phân bổ công bằng vaccine.
Trên thực tế, mặc dù những cam kết tài trợ vaccine vẫn tiếp tục được các nước giàu đưa ra, nhưng việc thực hiện đến đâu lại đang là vấn đề gây tranh cãi. Chưa kể các cam kết này càng có vẻ ít hào phóng hơn so với kỳ vọng. Bằng chứng là sứ mệnh cung cấp vaccine cho các nước nghèo của Cơ chế COVAX thông qua các khoản quyên góp vẫn gặp rất nhiều trở ngại, mà một phần nguyên nhân là do các mạnh thường quân ngày càng chi ít hơn, chậm trễ trong việc hỗ trợ vaccine và không thực hiện đúng các cam kết đã đưa ra.
Đầu năm 2021, Cơ chế COVAX có kế hoạch phân phối 2 tỷ liều vaccine trên toàn thế giới. Trong số đó, hơn một nửa được phân phối miễn phí cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Các quốc gia này sẽ được hưởng lợi từ Cơ chế COVAX. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 297 triệu liều được phân phối trên thế giới, trong đó 228 triệu liều được cấp cho 92 quốc gia nghèo tham gia cơ chế này. Trong số này bao gồm 228 triệu liều đến từ các khoản quyên góp của những quốc gia khác. Hệ quả là Cơ chế COVAX phải hạ mục tiêu phân phối từ 2 tỷ liều xuống 1,4 tỷ liều vaccine đến cuối năm 2021, với 1,2 tỷ liều cho các nước nghèo nhất. Nguyên nhân là do Cơ chế COVAX phụ thuộc vào số lượng vaccine được quyên tặng để hoạt động và thúc đẩy các mục tiêu của mình.
Ngoài ra, Cơ chế COVAX cũng gặp những rào cản do chính vấn đề y tế quốc gia bởi các mạnh thường quân cũng phải chịu áp lực bảo đảm tỷ lệ tiêm vaccine ở trong nước trước khi hỗ trợ các nước khác. Đức cũng chỉ hỗ trợ vaccine cho các nước nghèo sau khi đã đạt tỷ lệ yêu cầu về tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trong nước.
Theo các con số thống kê, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 rất khác nhau ở các châu lục và giữa các nước tại từng châu lục. Trong khi những nước giàu có đã đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao, thậm chí nhiều nước phương Tây đã tiến hành tiêm mũi tăng cường, thì tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều nơi vẫn rất thấp với chỉ một con số, đặc biệt ở châu Phi. Tại Đức, tới nay đã có 66,2% dân số được tiêm đầy đủ và 69,1% được tiêm ít nhất một mũi.
Tuy nhiên, cũng tại diễn đàn ở Đức, người đứng đầu WHO vẫn rất lạc quan vào khả năng “có thể đạt được” mục tiêu ít nhất 40% người dân ở mỗi quốc gia trên thế giới được tiêm chủng vào cuối năm nay. WHO còn đặt mục tiêu tham vọng hơn, đó là khoảng 70% dân số toàn cầu được tiêm chủng vào giữa năm 2022. Cơ chế COVAX vì vậy vẫn có thể là cứu cánh trong bối cảnh đại dịch, nếu những lời kêu gọi chi mạnh tay hơn và thực thi cam kết, được hưởng ứng tích cực trên tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()