Sự khác biệt trong chính sách chống dịch của châu Á và phương Tây
Nhiều nước châu Á đang siết chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn biến thể Omicron xâm nhập, trong khi một số quốc gia phương Tây dường như chấp nhận tình trạng lây lan biến thể Omicron.
Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang cho thấy sự khác biệt trong chính sách chống dịch COVID-19 của chính phủ các nước châu Á và phương Tây.
Trong một bài báo đăng tải mới đây trên tờ Al Jazeera, tác giả John Power cho biết nhiều nước châu Á đang siết chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn biến thể Omicron xâm nhập từ bên ngoài, trong khi một số quốc gia phương Tây dường như chấp nhận tình trạng lây lan biến thể Omicron và coi đây là bước đi hướng tới sống chung với dịch COVID-19.
Theo tác giả bài báo, các nước châu Á và phương Tây áp dụng chính sách phòng dịch đối ngược ở thời điểm ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Omicron ít gây ra các ca bệnh nặng và tử vong như biến thể Delta dù lây lan nhanh hơn.
Tại Anh, kể từ khi phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron cách đây 6 tuần, đến nay số bệnh nhân nặng phải dùng máy thở chưa đến 25% so với mức đỉnh ghi nhận hồi tháng 1/2021.
Còn tại Nam Phi – nơi đầu tiên trên thế giới thông báo ca nhiễm biến thể Omicron, số ca tử vong trong làn sóng lây nhiễm biến thể này chỉ bằng 20% so với mức ghi nhận trong làn sóng nhiễm biến thể Beta cách đây đúng một năm.
Chuyên gia Paul Glasziou tại Đại học Bond (Australia) cho rằng ở những người chưa tiêm phòng COVID-19, nguy cơ tử vong do biến thể Omicron chỉ bằng 30% so với biến thể Delta.
Tác giả cho biết, khi ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trên thế giới được báo cáo vào tháng 11/2021, nhiều nước đã lập tức thắt chặt kiểm soát biên giới nhưng hiện nay đã nới lỏng dần.
Tuy nhiên, một số nước châu Á vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế này mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong nước cao.
Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược “Zero COVID” với mục tiêu đưa số mắc mới trong cộng đồng về con số 0.
Cụ thể, Đặc khu hành chính Hong Kong cấm các chuyến bay tới 8 quốc gia gồm Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Anh và Mỹ.
Từ tháng 12/2021, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore đều yêu cầu cách ly bắt buộc với hầu hết du khách quốc tế. Còn Nhật Bản cấm nhập cảnh với người nước ngoài.
Theo bài báo, chính sách chống dịch COVID-19 thận trọng của nhiều nước châu Á đối ngược với chính sách của những quốc gia như Mỹ, Anh và Australia – nơi chứng kiến số ca mắc mới tăng cao do biến thể Omicron.
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 3/1 tuyên bố kết thúc giai đoạn phong tỏa ở nước này, trong khi giới chức địa phương cũng nới lỏng quy định xét nghiệm và cách ly để giải quyết tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh gián đoạn.
Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 5/1 cũng bày tỏ hy vọng đất nước này sẽ “vượt qua” làn sóng lây nhiễm Omicron hiện tại mà không cần áp dụng thêm hạn chế.
Bài báo dẫn nhận định của Giáo sư Ooi Eng Eong tại Trường Y Duke-NUS ở Singapore cho rằng những quốc gia châu Á có tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 cao có thể bắt đầu nới lỏng hạn chế
Trong khi đó, chuyên gia dịch tễ học Thira Woratanarat tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cho biết ông không nghĩ rằng các quốc gia châu Á quá cẩn trọng trong chính sách chống dịch xét theo điều kiện của hệ thống y tế và nguồn cung vaccine, đặc biệt ở những quốc gia nghèo trong khu vực./.
Ý kiến ()